Báo động tình trạng sạt lở tại trung tâm hành chính huyện miền núi Quảng Nam

Liên tiếp nhiều năm qua, sạt lở núi trở thành nỗi ám ảnh của người dân miền núi tỉnh Quảng Nam mỗi khi đến mùa mưa bão. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng dày hơn, lan rộng, uy hiếp nhiều khu dân cư và cả trung tâm hành chính các huyện miền núi.

Trung tâm hành chính huyện miền núi cao Nam Trà My đặt tại xã Trà Mai được quy hoạch và xây dựng cách đây 20 năm. Nhiều công trình, trụ sở làm việc kiên cố tại đây đã giúp người dân vùng cao này tránh trú lũ quét, sạt lở đất.

Phía sau Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là quả đồi lớn, dễ sạt lở.

Phía sau Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là quả đồi lớn, dễ sạt lở.

Hiện nay, khu vực này đang đối mặt với nguy cơ sạt lở rất lớn, bởi ngay sau lưng các khu dân cư, trụ sở làm việc là đồi núi cao đã xuất hiện nhiều vết nứt, ngày càng nguy hiểm hơn. Sau đợt mưa bão cuối năm 2020, một phần quả đồi phía sau trụ sở cơ quan Thi hành án huyện Nam Trà My bị sạt lở. Khu vực này đã được kè chắn nhưng khu phía sau các trụ sở của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, Tòa án, Công an huyện Nam Trà My... tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài gần 1 km.

Bà Lưu Thị Nghĩa, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam sống gần khu vực này cho biết, bà con nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa lớn.

Người dân địa phương lo ngại mùa mưa bão năm nay sẽ xảy ra sạt lở núi.

Người dân địa phương lo ngại mùa mưa bão năm nay sẽ xảy ra sạt lở núi.

Tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, cứ vào mùa mưa, dòng nước chảy xiết từ trên sườn núi trút xuống đường như những con suối nhỏ. Đáng lo ngại là toàn bộ dãy núi chạy dọc sau các trụ sở làm việc của huyện Nam Trà My liên tục sạt đất đá xuống khu dân cư, nước và đất đá trên cao tràn xuống đe dọa tính mạng, tài sản của dân.

Để đảm bảo an toàn cho bà con, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tính đến phương án di dời trung tâm hành chính huyện đến khu vực khác. Tuy nhiên, ở vùng núi cao, địa hình đồi dốc, việc tìm ra khu vực đủ diện tích để xây dựng trung tâm hành chính là rất khó và tốn kém nguồn đầu tư.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn nhỏ.

Xuất hiện nhiều vết nứt lớn nhỏ.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, phương án khả thi nhất là xây dựng kè chống sạt lở kết hợp các giải pháp hạ thấp quả đồi để có quỹ đất bố trí di dời, tái định cư và phát triển không gian đô thị: “Theo dự toán, để xây dựng cả bờ kè và khu dân cư thì cần kinh phí trên 350 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí rất lớn. Trước mắt chúng tôi mong tỉnh Quảng Nam hỗ trợ làm bờ kè trước, kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để bảo vệ được khu vực trung tâm hành chính, chứ làm một lúc thì kinh phí quá nhiều”.

Khu vực đồi núi này từng xảy ra nhiều đợt sạt lở trong mùa mưa bão trước.

Khu vực đồi núi này từng xảy ra nhiều đợt sạt lở trong mùa mưa bão trước.

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ cách đây 2 năm làm hàng chục người chết và mất tích. Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sắp xếp dân cư miền núi, xây dựng các khu tái định cư, giúp người dân vùng sạt lở phòng tránh thiên tai, ổn định cuộc sống. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đến kiểm tra hiện trường các khu vực có nguy cơ sạt lở tại huyện Nam Trà My và đồng ý chủ trương thực hiện phương án chống sạt lở trong trường hợp cấp thiết đối với trung tâm hành chính huyện.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt huyện Nam Trà My cần triển khai một số giải pháp cấp bách tại những khu vực xung yếu: “Trên cơ sở phương án chung của tỉnh thì các địa phương, nhất là khu vực miền núi chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với địa phương mình. Trong điều kiện các tuyến giao thông chưa khắc phục kịp thì phải có phương án dự trữ lương thực, bố trí sẵn lực lượng tại chỗ để khi có tình huống thiên tai phức tạp thì vẫn đủ để người dân vượt qua”.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-dong-tinh-trang-sat-lo-tai-trung-tam-hanh-chinh-huyen-mien-nui-quang-nam-post1042732.vov