Báo động tình trạng tảo hôn ở Hầu Thào

Trong 3 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Hầu Thào (Sa Pa) có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Vài tháng nay, gia đình ông Giàng A Páo và bà Sùng Thị Sú (thôn Thào Hồng Dến, xã Hầu Thào) như “ngồi trên đống lửa” bởi đứa con gái 14 tuổi đòi lấy chồng.

Con gái bà Sú là Giàng Thị M. bỏ học từ năm lớp 7, hiện 14 tuổi và hơn 1 năm nay có quan hệ yêu đương với Vàng A V. (thôn Séo Trung Hồ, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa). Thời gian gần đây, M. ngỏ ý với bố mẹ muốn lấy chồng, gia đình V. cũng đã “đánh tiếng” và chuẩn bị sang gặp vợ chồng ông Páo, bà Sú để thương lượng chuyện cưới xin. Tuy nhiên, do M. còn nhỏ tuổi nên việc tổ chức đám cưới sẽ là hành vi tảo hôn, vi phạm pháp luật và vi phạm quy ước, hương ước của thôn…

Cán bộ Hội Phụ nữ và MTTQ xã Hầu Thào vận động gia đình bà Sùng Thị Sú (thôn Thào Hồng Dến) không tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Cán bộ Hội Phụ nữ và MTTQ xã Hầu Thào vận động gia đình bà Sùng Thị Sú (thôn Thào Hồng Dến) không tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Bà Sú cho biết: Gia đình chưa muốn M. lấy chồng vì tuổi còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu con gái vẫn quyết lấy chồng thì cũng phải chấp nhận. Do hoàn cảnh khó khăn và phong tục nên nếu nhận lễ vật của nhà trai thì không có điều kiện trả lại. Tôi và chồng sẽ bàn kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Khi được hỏi: “Gia đình có biết hành vi tảo hôn là vi phạm pháp luật không?”. Bà Sú cho biết, gia đình bà chỉ biết sẽ vi phạm quy ước của thôn, phải nộp 3 triệu đồng tiền mặt, còn việc vi phạm pháp luật, gia đình bà không biết.

Theo quy ước của thôn Thào Hồng Dến, gia đình nào khi có con tảo hôn sẽ phải nộp phạt 3 triệu đồng cho thôn, chủ hôn nộp phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này hầu như không đủ sức răn đe, người dân sẵn sàng nộp phạt để tổ chức đám cưới cho con, tình trạng tảo hôn vì thế vẫn diễn ra.

Bà Vàng Cồ Chấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hầu Thào cho biết: Ngay sau khi nghe thông tin về trường hợp em Giàng Thị M. có nguy cơ tảo hôn, Hội Phụ nữ và các ban, ngành, đoàn thể của xã đã nhiều lần đến vận động, tuy nhiên gia đình vẫn chưa dứt khoát. Xã sẽ phối hợp với UBND xã Bản Hồ để vận động gia đình em Vàng A V. tạm dừng việc kết hôn đến khi đủ tuổi.

Theo khảo sát của UBND xã Hầu Thào, hầu hết các cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn. Một số cặp sau khi tảo hôn đã không còn ở với nhau. UBND xã không thể làm đăng ký kết hôn cho các cặp này vì trái quy định, có cặp tảo hôn xong khi không ở được với nhau lại kiện nhau ra tòa; tình trạng trẻ em sinh ra do tảo hôn không làm được giấy khai sinh, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, sức khỏe yếu, còi cọc… là những hệ lụy có thể nhìn thấy tại xã Hầu Thào hiện nay.

Năm nay mới 19 tuổi nhưng Lồ Thị D., ở thôn Bản Pho, xã Hầu Thào đã một nách 2 con. D. và chồng lấy nhau lúc cả 2 mới 17 tuổi nên chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Hiện vợ chồng D. và con đều ở chung với bố mẹ chồng, trong nếp nhà vài chục mét vuông mà có hơn 10 người chung sống. Lồ Thị D. cho biết, do cuộc sống khó khăn nên vợ chồng D. không thể làm nhà ở riêng. Chồng của D. không có công việc ổn định, tiền chi tiêu của gia đình chủ yếu trông chờ vào thù lao dẫn khách du lịch đi tour của D. (khoảng 2 triệu đồng/tháng). “Em lo nhất là 2 đứa con chưa được làm giấy khai sinh, sau này đi học sẽ khó khăn. Chưa kể khi ốm đau, cả 2 đứa trẻ đều không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế nên chi phí khám, chữa bệnh rất tốn kém. Nếu được chọn lại, em sẽ không lập gia đình khi chưa đủ tuổi” - D. nói.

Theo thống kê của UBND xã Hầu Thào, trong 3 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2017 có 3 cặp tảo hôn và năm 2018 có 5 cặp tảo hôn và 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Đáng báo động, từ đầu năm 2019 đến nay, xã có 7 cặp vợ chồng tảo hôn và hiện tại có 1 cặp đang chuẩn bị làm đám cưới.

Ông Giàng A Chu, Chủ tịch UBND xã Hầu Thào cho biết: Nguyên nhân để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là do sự tìm hiểu của thanh niên và sự thiếu quyết đoán của bố mẹ các cặp đôi. Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều biện pháp như vận động, tuyên truyền, kiên quyết không cấp giấy đăng ký kết hôn khi người đăng ký chưa đủ tuổi, xử phạt vi phạm hành chính… Bên cạnh đó, xã kết hợp, thống nhất với người dân các thôn về xây dựng quy chế, trong đó có biện pháp xử lý các trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, mức xử lý của quy ước, hương ước cũng như xử phạt hành chính có thể chưa đủ sức răn đe nên người dân sẵn sàng nộp phạt, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra. Ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ để xử lý hành chính, đồng thời làm các thủ tục chuyển hồ sơ lên viện kiểm sát để xử lý hoặc truy tố một số trường hợp có dấu hiệu hình sự nhằm răn đe, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tảo hôn.

Những hệ lụy do nạn tảo hôn gây ra là không nhỏ, đi ngược với quy luật phát triển và những quy định của pháp luật. Các cấp, ngành của huyện Sa Pa và xã Hầu Thào cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã Hầu Thào nói riêng và trên địa bàn huyện Sa Pa nói chung.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/bao-dong-tinh-trang-tao-hon-o-hau-thao-z5n2019091109113602.htm