Báo động trẻ vị thành niên phạm tội

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm chưa thành niên có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm.

Liều lĩnh, manh động

Những ngày vừa qua, hành vi ngông cuồng của nhóm thanh niên đập phá xe máy người bênh vực bà bầu sau va chạm giao thông gây nên làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng cũng như toàn xã hội.

Hành vi ngông cuồng của nhóm thanh niên trong vụ đập phá xe máy của người đi đường (Ảnh cắt từ clip)

Hành vi ngông cuồng của nhóm thanh niên trong vụ đập phá xe máy của người đi đường (Ảnh cắt từ clip)

Cụ thể, ngày 24/9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một thanh niên hung hãn cầm trên tay gậy sắt liên tục thách thức một người đi đường. Nguyên nhân là do đã xảy ra va chạm giao thông giữa xe máy của chị N (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) và xe máy của nhóm thanh niên khác khiến chị N bị ngã xuống đường.Khi thấy người đi đường dừng lại để bênh vực chị N (đang mang bầu) thì một đối tượng đã nổi khùng, hùng hổ dùng hung khí đập phá chiếc xe máy.

Nhận được thông tin, Công an quận Thanh Xuân đã khẩn trương xác minh và triệu tập 4 đối tượng liên quan đến vụ việc. Từ chứng cứ, tài liệu thu thập được, cơ quan công an xác định đối tượng Nguyễn Mỹ Anh (17 tuổi, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) là người đã hành hung và đập phá tài sản của người dân. Ngày 25/9, cơ quan công an đã tiến hành tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Mỹ Anh để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhiều bình luận, comment trên mạng xã hội đều cho rằng chỉ vì những va chạm nhỏ nhặt khi tham gia giao thông nhưng Nguyễn Mỹ Anh đã thể hiện sự côn đồ hung hãn, mất kiểm soát.

Không chỉ có những hành động hung hãn, mất kiểm soát của một số trẻ vị thành niên được ghi lại trên mạng xã hội, thời gian qua, cơ quan chức năng còn ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án hình sự, mà thủ phạm lại là những thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ song hành vi lại cực kỳ tàn bạo. Điều đáng nói, các vụ việc xảy ra không phải do sự bồng bột, thiếu hiểu biết, mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội và thủ đoạn được tính toán kỹ lưỡng.

Đơn cử như vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra mới đây. Ngày 29/8, Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Long (17 tuổi, trú tại đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, ngày 6/8, Long cùng một nhóm bạn điều khiển xe máy và mang theo 6 tuýp sắt gắn dao nhọn đến khu vực nóc hầm Kim Liên (Hà Nội) để giải quyết mâu thuẫn với nhóm thanh niên khác. Khi đến phố Lê Duẩn, hai nhóm gặp và đuổi chém nhau. Đến trước số nhà 75 Lê Duẩn, một đối tượng trong nhóm của Long bị ngã xuống đường. Công an phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, đã triển khai lực lượng vây bắt thì Long dùng tuýp sắt gắn dao nhọn chống trả, chém về phía lực lượng công an...

Đẩy mạnh giáo dục từ gia đình

Những vụ án nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều các vụ án có thủ phạm là những thanh, thiếu niên, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.Nếu như trước đây, số đối tượng vị thành niên chỉ phạm tội ít nghiêm trọng và mang tính bộc phát, nhất thời thì hiện nay đã thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với tính chất manh động, chuyên nghiệp.

Theo luật sư Ngọc Anh – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm số đối tượng phạm tội để phòng ngừa, răn đe chung nhưng số trẻ vị thành niên phạm tội vẫn còn diễn biến phức tạp. Mặt khác, chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm.Theo Điều 91 (BLHS 2015) quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.

Đối tượng Nguyễn Mỹ Anh trực tiếp đập phá xe máy (Ảnh cắt từ clip)

Đối tượng Nguyễn Mỹ Anh trực tiếp đập phá xe máy (Ảnh cắt từ clip)

Dưới góc độ tâm lý tội phạm học, có thể thấy, vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người lớn. Vì vậy, tâm lý lứa tuổi “chuyển tiếp” này có tác động rất lớn đến hành vi của các em. Trong khi đó, ở nhiều gia đình, trẻ bị đánh mắng, xúc phạm, coi thường và thậm chí bỏ rơi, còn một số gia đình khá giả thì quá cưng chiều con, con đòi gì được nấy, con cái bỏ học, đua đòi theo bạn xấu mà cha mẹ cũng không biết… Đó là những nguy cơ tiềm ẩn cho tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên.“Qua nghiên cứu hồ sơ, thông qua lời khai của các bị cáo và những người có liên quan, nguyên nhân phạm tội chủ yếu xuất phát từ sự ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực, phim ảnh đồi trụy…

Bên cạnh đó là những tác động của kinh tế thị trường, sự xuống cấp về mặt đạo đức cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả. Nhiều phiên tòa, một số tội phạm ở tuổi vị thành niên còn ngỡ ngàng đối với hình phạt dành cho mình, vì không hề nghĩ đến chuyện khi mình phạm tội với hành vi đó sẽ phải lãnh bản án như thế”, luật sư Ngọc Anh chia sẻ.

Theo các cơ quan chức năng, để phòng ngừa tình trạng gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Các bậc cha mẹ phải gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm của các em, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con trẻ. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu.

Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế được việc vi phạm pháp luật. Ðặc biệt, hiện nay, do thông tin trên internet phủ sóng, trẻ em tiếp xúc sớm và thường xuyên với những thông tin văn hóa phẩm độc hại, cho nên cơ quan chức năng cần có chính sách kiểm soát và quản lý thông tin chặt chẽ./.

Hữu Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dong-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-113784.html