Báo động văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế) bất ngờ bị chỉ trích sau vòng chung kết. Một số khán giả cho rằng, nam sinh giành chiến thắng một cách không 'quang minh chính đại', sử dụng tiểu xảo để ghi điểm. Nhiều chuyên gia lên tiếng, phân tích về hành vi của Phú Đức vẫn không ngăn được làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội.

Quán quân bị chỉ trích

Làn sóng chỉ trích Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 bùng nổ ngay khi vòng chung kết khép lại. Để giành chiến thắng, giữ vững vị trí đầu bảng cho đến phút cuối cùng, Võ Quang Phú Đức đã có chiến thuật chơi rất bình tĩnh, tỉnh táo. Trong phần thử thách cuối cùng, bốn người chơi Phú Đức, Nguyên Phú, Trung Kiên, Nhật Minh lần lượt đạt 235, 215, 145 và 85 điểm. Nhật Minh là người thi chính, lựa chọn câu hỏi 30 điểm nhưng trả lời sai, mở ra cơ hội cho các thí sinh còn lại giành điểm. Phú Đức nhanh chóng chớp lấy cơ hội và giành quyền trả lời. Câu trả lời của Phú Đức không đúng, cậu bị trừ 15 điểm, nhưng vẫn là người có số điểm cao nhất sau 4 vòng thi và trở thành quán quân.

Tân Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế) bất ngờ bị chỉ trích sau vòng chung kết Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Tân Quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2024 Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế) bất ngờ bị chỉ trích sau vòng chung kết Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Nhiều lời chỉ trích, ngờ vực năng lực của Phú Đức tràn ngập trên mạng xã hội. Phần lớn cho rằng, nam sinh giành chiến thắng bằng cách bấm chuông nhanh hơn đối thủ. Họ cho rằng, tân quán quân lợi dụng chiêu trò để đạt vòng nguyệt quế. Nhiều chuyên gia lên tiếng phân tích và khẳng định, cách chơi của Phú Đức này đã cho thấy sự thông minh và táo bạo của nam sinh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, mạng xã hội khiến chúng ta xem tin tức rất nhanh, đồng thời cũng phản ứng quá nhanh với các tin tức ấy. Hậu quả là chúng ta phản ứng bằng cảm xúc dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí. Đó là cơ chế tạo điều kiện cho người sử dụng mạng xã hội ảo tưởng quyền lực, tự cho mình có quyền của thẩm phán. Đây cũng là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề nhức nhối đang xảy ra trên mạng xã hội. Chuyên gia đề xuất, cần bộ luật riêng cho các hành vi trên mạng xã hội, bởi mọi hiện tượng xã hội luôn cần có luật để điều tiết. "Cần hình thành nên một môi trường văn hóa khi sử dụng mạng xã hội, ở đó, những người có ý định làm sai cũng không dám, không muốn, không thể làm sai”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

“Tôi nhìn thấy sự quyết đoán và tính toán đầy khôn ngoan trong lựa chọn của Phú Đức. Cậu ấy đã dám đưa ra quyết định khó khăn, không sợ bị phán xét và hơn hết, chiến thắng chung cuộc đã chứng minh cho chiến thuật của cậu là đúng đắn”, chuyên gia tâm lý Đặng Thiên Phong nhận định. Phú Đức lên tiếng khẳng định, việc lựa chọn giành chuông là chiến thuật cậu rút ra được từ cuộc thi ở quý III. Sau khi giành chiến thắng, Phú Đức đã xin lỗi cộng đồng chuyên toán khi tính sai đáp án cuối cùng.

Dù vậy, làn sóng dư luận về việc này vẫn không dừng lại. Một số chuyên gia cho rằng, phản ứng trái chiều và tấn công Phú Đức xuất phát từ cơ chế tâm lý hiệu ứng đám đông. “Tâm lý của nhiều người bị ảnh hưởng bởi đám đông và áp lực xã hội, khiến họ cảm thấy rằng chỉ trích hoặc tấn công người khác là cách để thể hiện quyền lực, sự vượt trội hoặc sự đồng thuận với số đông", chuyên gia Đặng Thiên Phong nêu.

Chấn chỉnh ứng xử trên mạng xã hội

Bên cạnh hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội, sự việc của Phú Đức còn xuất phát từ lòng đố kị, nhỏ nhen của cộng đồng mạng. TS Lê Thị Quỳnh Nga, giảng viên Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải, có hai yếu tố dẫn đến việc Phú Đức gặp phải sự “khó ưa” của cộng đồng mạng.

“Đầu tiên cộng đồng mạng cho rằng, chiến lược của Phú Đức là tiểu xảo. Giả sử cậu không trở thành nhà vô địch, có thể khán giả cũng không có ý kiến gì về việc này. Hơn nữa, nếu Đức không chia sẻ về sự gan lì và chiến thuật thông minh là bí quyết giúp em chiến thắng có lẽ khán giả cũng không để ý gì đến cái gọi là chiến thuật họ đang chỉ trích trên mạng”, TS Lê Thị Quỳnh Nga nhận định.

Việc Phú Đức thể hiện hành động ăn mừng sớm khi chương trình chưa kết thúc cũng là một điểm để cộng đồng mạng khó chịu. “Mọi người có thể đặt mình vào vị trí của em để hiểu được cảm xúc đó: trở thành nhà vô địch sau bao vòng thi gay cấn, sau một quá trình dài chuẩn bị, trong không khí hừng hực ở trường quay, hành động của bạn ấy là hoàn toàn phù hợp", TS Lê Thị Quỳnh Nga phân tích.

Những nỗ lực trong hành trình leo núi của Võ Quang Phú Đức bị đánh giá thấp Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Những nỗ lực trong hành trình leo núi của Võ Quang Phú Đức bị đánh giá thấp Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

Có thể thấy, mạng xã hội mang đến cho người dùng cảm giác an toàn sau màn hình máy tính hoặc điện thoại nên họ sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực. Việc ít chịu trách nhiệm trước những phát ngôn trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người dễ dàng buông lời chê trách, miệt thị người khác, thậm chí là tấn công tinh thần người khác. “Tôi cho rằng, chúng ta phải xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Việc phát ngôn về một sự việc nào đó trên mạng xã hội cần phải cẩn trọng và có ý thức, chịu trách nhiệm cho mỗi lời nói, phán xét của mình”, TS Lê Thị Quỳnh Nga nhấn mạnh.

AN KHÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-dong-van-hoa-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-post1683301.tpo