Bao giờ Chương Mỹ hết cảnh ngập sâu sau mưa lũ?

Tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 3/10, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thông tin các giải pháp để những vùng trũng như Chương Mỹ hết cảnh cứ mưa lớn là ngập sâu...

Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thường xuyên ngập sâu khi mưa lũ

Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ thường xuyên ngập sâu khi mưa lũ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Chương Mỹ là 1 trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi; có rất nhiều vùng trũng so với mặt sông dẫn đến cứ mưa là ngập úng.

Với những khó khăn này, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND TP. Về lâu dài, ông Hoa cho biết, thành phố cần báo cáo Chính phủ, nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư khu vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi ; quan tâm đầu tư thích đáng để nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo tiêu chí thiết kế theo quy hoạch;

Nghiên cứu chọn phương án thoát lũ rừng ngang và xây dựng củng cố đê dọc hai bên bờ trục tiêu; thực hiện nạo vét, giải tỏa vật cản đảm bảo tiêu thoát lũ, phòng tránh sạt lở; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm; đặc biệt phối hợp với các tỉnh liên quan dọc sông Đáy, sông Bùi, sông Tích...

"Tất cả những khó khăn nêu trên TP đã cập nhật báo cáo với Chính phủ. Đây là một trong các quy hoạch phòng chống lụt bão TP Hà Nội, được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hòa trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065.

Khi Chính phủ phê duyệt, sẽ tích hợp với phòng chống lũ lụt trên địa bàn các địa phương trong đó có Chương Mỹ, từ đó quan tâm đầu tư, hạn chế tối đa nhất ảnh hưởng đời sống người dân khu vực lũ rừng ngang..."- ông Nguyễn Đình Hoa thông tin.

Cũng liên quan đến vấn đề ngập lụt, từ thực tế nước sông Hồng vừa qua dâng cao làm nhiều nơi bị ngập sâu, phóng viên đặt câu hỏi về việc Hà Nội điều chỉnh quy hoạch sông Hồng thế nào để đảm bảo thoát lũ?

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Phạm Quốc Tuyến cho biết, về quy hoạch sông Hồng, trước đây, căn cứ quy định của Luật Đê điều, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, trên cơ sở Quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình năm 2016 và ý kiến của Bộ Xây dựng… UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc cùng các cơ quan liên quan trình UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng.

Trong Quy hoạch phân khu sông Hồng, về phần cảnh quan, sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội và có yêu cầu quan trọng nhất là bảo vệ an toàn đê điều, phòng chống lũ.

Ông Tuyến nhấn mạnh đây là yêu cầu bắt buộc và trong quy hoạch được duyệt cũng xác định rất rõ toàn bộ việc quản lý, đầu tư xây dựng được xem xét theo quy định của Luật Đê điều, yêu cầu tại Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã được phê duyệt.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thông tin thêm, các khu vực xây dựng, khu vực quản lý ngoài đê, các phần dân cư hiện có, khu vực xây dựng mới, trong Quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình đã nêu ra và đến thời điểm này chưa thay đổi, vẫn thực hiện theo quy định này.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng, xác định trục cảnh quan trung tâm của Thành phố vẫn triển khai, tuy nhiên phải đảm bảo theo các yêu cầu của phòng, chống lũ.

Đối với các dự án triển khai tại khu vực ngoài bãi, khu vực giữa hai bên đê vẫn được xem xét và được thỏa thuận bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn đê điều, phòng chống lũ...

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bao-gio-chuong-my-het-canh-ngap-sau-sau-mua-lu-post591521.antd