Bao giờ loại bỏ được vấn nạn 'con nghiện sau tay lái'?

Vấn nạn 'con nghiện sau tay lái' từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT). Không ít vụ tai nạn thảm khốc xảy ra do tài xế sử dụng ma túy.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc do tài xế sử dụng ma túy gây ra tại Long An vào năm 2019.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc do tài xế sử dụng ma túy gây ra tại Long An vào năm 2019.

Đã đến lúc cần biện pháp mạnh tay với vấn nạn và phạt tù có thể là một biện pháp cần được tính tới.

Ám ảnh lái xe sử dụng chất kích thích

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến lái xe sử dụng chất kích thích và ma túy. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2021, trong số hơn 2,7 triệu trường hợp vi phạm bị xử phạt vì vi phạm giao thông, có hơn 1.800 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, chiếm 0,06%.

Trước đó, trong năm 2020, lực lượng chức năng cả nước cũng đã phát hiện 1.410 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, tăng 59,5% so với năm 2019.

Tại một số địa phương, qua kiểm tra và xử lý nhiều vụ TNGT, lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện nhiều lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy dẫn đến tai nạn bất thường, như lái xe lao thẳng vào nhà dân, vượt dải phân cách, lao xuống ruộng... Nhiều vụ khác dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thiệt mạng như tại Long An, Hải Dương.

Mới đây nhất, ngày 14/2, trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lực lượng CSGT đã kiểm tra bằng kit phát hiện nhanh, xác định 3 tài xế điều khiển ô tô khách (loại trên 30 chỗ) BKS 29B - 621.xx; 51B - 187.xx và xe tải mang BKS 43C - 249.62 dương tính với ma túy.

Trước đó, ngày 13/2, trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Thái Nguyên, lực lượng CSGT cũng phát hiện 2 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Khi cảnh sát lấy lời khai đối với lái xe, họ đều thừa nhận sử dụng ma túy tổng hợp khi đi chúc Tết và dự sinh nhật bạn.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng nhiều địa phương đã tăng cường biện pháp đấu tranh với vấn nạn “con nghiện sau tay lái”. Tuy nhiên, khách quan mà nói, những giải pháp đưa ra đều mới chỉ xử lý được “phần ngọn”. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần một chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cần được đặt ra để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng “ma men sau tay lái”.

Cơ quan chức năng xét nghiệm ma túy tài xế trên cao tốc.

Cơ quan chức năng xét nghiệm ma túy tài xế trên cao tốc.

Cần chế tài mạnh và giải pháp tổng thể

Theo nhiều chuyên gia, cần thực hiện song song hai giải pháp. Một là chế tài mạnh, đủ sức răn đe để kiềm chế vấn nạn “ma men sau tay lái”.
Hai là cần một giải pháp tổng thể, bền vững để từng bước loại trừ, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vấn nạn “con nghiện” trong đội ngũ lái xe.

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ/CP của Chính phủ, tài xế sử dụng chất kích thích chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất là 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 24 tháng.

Theo Luật sư Bùi Đình Ứng, so với trước đây, chế tài xử phạt dành cho tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích đã được tăng lên nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ phạt hành chính thì sẽ không đủ sức răn đe.

“Các loại ma túy nói chung sẽ gây sảng khoái tức thời. Sau đó thần kinh sẽ bị suy nhược, không làm chủ được hành vi. Lái xe khi phê ma túy xử lý tình huống sẽ không chính xác, nhất là những người điều khiển xe có trọng tải lớn”.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Đức Tuấn

“Tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao. Thực tế cho thấy, những vụ tai nạn đã xảy ra do tài xế nghiện ma túy đều là những vụ tai nạn thảm khốc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản” – Luật sư Bùi Đình Ứng phân tích và cho rằng, cần cân nhắc bổ sung thêm những chế tài xử phạt nặng hơn đối với tài xế nghiện ma túy. Thậm chí có thể tính tới phương án “treo” bằng lái vĩnh viễn hoặc phạt tù.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nêu quan điểm, theo quy định, nếu tài xế bị phát hiện có sự dụng ma túy thì chỉ xử lý tài xế, doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan. Do đó, quy định này chưa đủ ràng buộc để doanh nghiệp có ý thức nghiêm túc về kiểm soát sức khỏe của tài xế. Cần phải xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp khi để tài xế sử dụng ma túy cầm vô lăng, hay ép tài xế làm việc quá thời gian quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm khi tham gia giao thông có thể coi là hành vi “giết người”. “Luật pháp cần phải xem xét theo hướng người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm. Cần phải thay đổi tội danh, khi sử dụng chất kích thích không làm chủ được mình, cố tình sử dụng chất cấm và gây tai nạn phải xử theo tội giết người, kể cả khi chưa gây hậu quả” – ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Nhìn nhận vấn đề từ góc độ quản lý, Thượng tá Lê Huy Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông, Học viện Cảnh sát Nhân dân nhận định, việc kiểm soát lái xe nghiện ma túy hiện chưa làm từ gốc mà chỉ làm phần ngọn.

Theo Thượng tá Lê Huy Trí, để kiểm soát lái xe nghiện ma túy phải kiểm soát ngay từ đầu vào, từ khâu dạy lái xe, như điều kiện được học lái xe phải có giấy xác nhận không nghiện ma túy của chính quyền địa phương. Vì địa phương là nơi trực tiếp theo dõi, nắm được ai là người nghiện ma túy và đưa vào danh sách quản lý toàn quốc. Đây là căn cứ để những cơ sở đào tạo lái xe loại bỏ người nghiện ma túy.

“Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần theo quy định như hiện nay hầu như không hiệu quả, bởi giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy, không ít doanh nghiệp vẫn thực hiện theo kiểu đối phó. Nhiều trường hợp tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải trong việc kiểm tra ma túy. Vì vậy, cần có hình thức xử phạt mạnh hơn với tài xế sử dụng ma túy”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh

Nguyễn Quý -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-gio-loai-bo-duoc-van-nan-con-nghien-sau-tay-lai.html