Bao giờ xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong?

Theo lộ trình thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND TP. Hà Nội ngày 30.10.2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ đến ngày 31.12.2020, các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng; chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, mốc thời gian trên đã qua hơn 1 năm, nhưng hiện Hà Nội vẫn còn 316 bếp than tổ ong ở một số quận, huyện. Cụ thể, sau hơn 3 năm thực hiện thực hiện Chỉ thị 15, thành phố đã loại bỏ và thay thế được 54.176 bếp than tổ ong, giảm 99,42% so với năm 2017. Có 20 địa phương đã xóa được 100% bếp than tổ ong, 8 địa phương xóa được trên 90%, 1 địa phương dưới 90% và 1 địa phương để hộ dân tái sử dụng bếp than tổ ong. 10 địa phương còn để người dân sử dụng và tái sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, bao gồm Quốc Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Oai, Hoàng Mai, Hà Đông và Thạch Thất. 316 bếp còn lại là con số rất nhỏ so với 54.176 bếp than tổ ong được thay thế, nhưng nó lại là con số biết nói về những điều cơ quan chức năng chưa làm được trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Trước tình trạng này, UBND thành phố vừa có yêu cầu 10 quận, huyện trên có giải pháp và cam kết xử lý dứt điểm số bếp than còn sử dụng trên địa bàn trước tháng 6.2022. Văn bản này cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện kết quả thực hiện với UBND thành phố; trường hợp để xảy ra tình trạng tái sử dụng bếp than tổ ong, thành phố không xem xét thi đua khen thưởng năm 2022.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 18.1.2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó, Thủ tướng giao cho bộ, ngành, địa phương triển khai ngay việc tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt ngay từ đầu năm 2021. Và từ ngày 1.1.2021, cá nhân, hộ gia đình sử dụng than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, có thể thấy việc áp dụng xử phạt cũng không phải đơn giản, nhất là đối với những hộ gia đình nghèo, khó khăn; hộ kinh doanh nhỏ. Hơn nữa, theo quy định tại nghị định này, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường… thì một hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ liệu có vượt quy chuẩn nêu trên? Trong suốt hơn 1 năm qua, đã có hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ nào trong số 316 bếp còn lại đã bị xử lý?

Hiện, có nhiều loại bếp thân thiện với môi trường, tận dụng được các nguồn nguyên liệu thải như bếp khí hóa (sử dụng viên nén sinh khối từ vụn gỗ keo, rơm rạ, mùn cưa, vỏ bào…). Tuy nhiên, giá thành của các loại bếp này, cũng như nguyên liệu so với bếp than tổ ong vẫn còn cao, trong khi đó đa phần người dân khi chi phí cao hơn đã là không lựa chọn. Từ góc độ khác có thể thấy, bên cạnh nhận thức của cộng đồng về công nghệ khí hóa sinh khối, hệ sinh thái xanh còn ít nhiều hạn chế thì các chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường chưa được phát huy trên thực tế, chưa trở thành trợ lực cho các doanh nghiệp này hình thành, phát triển.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-gio-xoa-bo-hoan-toan-bep-than-to-ong