Bão Hagibis ở Nhật: Nhiều thương vong, mất tích khắp 27 tỉnh
Bão Hagibis dự đoán sẽ quay đầu ra Thái Bình Dương lúc 9 giờ sáng nay.
Hagibis – siêu bão lớn nhất đánh vào nước Nhật trong 61 năm đã đổ bộ vào đất liền tối 12-10, tàn phá cả một khu vực phía đông bắc vùng Tokyo.
Theo thông tin từ báo Japan Times, bão Hagibis đổ trực tiếp vào bán đảo Izu thuộc tỉnh Shizuoka và vào Tokyo cũng như các khu vực lân cận. Khắp các địa phương từ miền trung đến đông bắc Nhật phải hứng một lượng mưa kỷ lục kèm gió mạnh.
Trong khu vực bão tràn qua có ít nhất tám con sông bị tràn bờ, hơn 100 con sông khác có nguy cơ tràn bờ gây lụt lội. Một số con đập đã bắt đầu phải xả nước để tránh bị vỡ. Và nếu các con đập vẫn tiếp tục xả nước như một biện pháp khẩn cấp thì các vùng thấp có nguy cơ sẽ bị ngập lớn và đáng lo ngại là một lượng lớn dân ở các vùng thấp này vẫn chưa sơ tán hết.
Đáng ngại nhất là nguy cơ lở đất đang đe dọa. Báo Japan Times dẫn thông tin từ một số quan chức ở tỉnh Gunma cho biết đã xảy ra một trận lở đất ở thị trấn Tomioka tối 12-10 phá hủy nhiều nhà cửa. Hai người được cứu, nhưng một người không qua khỏi sau đó. Tỉnh Fukushima cũng xảy ra lở đất.
Đài truyền hình quốc gia Nhật NHK cho biết khắp 27 tỉnh bị bão Hagibis tràn qua đã có ít nhất năm người chết, 10 người mất tích và 90 người bị thương tính tới tối 12-10. Hơn 430.000 hộ dân ở Tokyo phải chịu mất điện. Các loại hình giao thông như tàu điện, tàu cao tốc, tàu lửa, máy bay trong khu vực bão tràn qua bị hủy.
Theo đánh giá của Giám đốc Cơ quan Khí tượng Nhật Yasushi Kajihara thì siêu bão Hagibis có sức tàn phá tương đương với siêu bão Kanogawa đã đổ vào nước Nhật năm 1958 làm hơn 1.200 người chết.
May mắn là đến sáng 13-10, bão Hagibis di chuyển hướng về vùng Tohoku. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật, bão Hagibis dự đoán sẽ di chuyển ra Thái Bình Dương lúc 9 giờ sáng nay (giờ địa phương) mà không tiếp tục vào sâu trong đất liền như bão Kanogawa trước đó, nhưng thương vong có thể sẽ còn tăng vì nguy cơ ngập lụt và lở đất rất đáng lo ngại.
Để đối phó, các địa phương đã phát lệnh sơ tán cho khoảng 6 triệu dân. Dù bão đã quay đầu ra biển nhưng nhiều tỉnh vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp để đối phó với nguy cơ lở đất.