Bạo hành voi, con người đánh mất nhân tính?

Loài người tự cho mình đứng trên tự nhiên, mà quên đi trước khi làm 'người', chúng ta là 'con'. Đó là thông điệp về sinh thái sâu sắc trong 'Rễ trời'.

Chúng ta vẫn thường nghe đâu đó câu “Loài voi là bạn của con người”. Nhưng gần đây, liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy hình ảnh con người bạo hành voi, từ việc bắt voi già gầy trơ xương phục vụ khách du lịch, tới việc dùng dụng cụ kim loại đâm, cứa vào voi để chúng diễn xiếc. Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà văn Romain Gary đã viết một tiểu thuyết cho thấy con người tác động thế nào tới sự sống còn của loài voi.

Rễ trời là tác phẩm được Romail Gary viết năm 1956, đạt giải Goncourt năm 1957. Lấy bối cảnh châu Phi Xích đạo sau chiến tranh Thế giới thứ hai, cuốn sách là câu chuyện về Morel - một người làm mọi việc để bảo tồn voi khỏi sự tuyệt chủng. Sâu xa hơn, tác phẩm là phép ẩn dụ cho cuộc tìm kiếm sự cứu rỗi cho toàn nhân loại.

Con người đang dồn loài voi đến bước diệt vong?

Không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, Rễ trời còn chứa đựng trong nó mọi trăn trở của nhà văn, từ đó truyền tải tới độc giả những thông điệp sâu kín, nhất là thông điệp về sinh thái. Nhân dịp sách xuất bản tại Việt Nam (qua bản dịch của Cao Việt Dũng), một buổi tọa đàm có tên “Sinh thái học và các vấn đề khác trong tác phẩm Rễ trời” được tổ chức. Chương trình diễn ra tối 21/8 tại Trung tâm Văn hóa Pháp với sự tham dự của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Đặng Thị Thái Hà.

Từ trái qua: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Thái Hà, MC Thanh Tùng tại tọa đàm. Ảnh: NN

Từ trái qua: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Thái Hà, MC Thanh Tùng tại tọa đàm. Ảnh: NN

Bàn tới chủ đề trọng tâm của tọa đàm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra một định nghĩa về sinh thái: “Con người phải thu mình lại để các loài vật khác có không gian sinh tồn. Đó chính là sinh thái”. Quan điểm này được thể hiện rõ trong nội dung Rễ trời.

Trong truyện, Morel chỉ với suy nghĩ “tôi đi bảo vệ loài voi - một động vật kềnh càng nhưng nó cần được tồn tại”. Có nhiều người đi cùng anh, muốn lợi dụng hoạt động bảo vệ voi của anh để gắn với các hoạt động chính trị. Nhưng Morel chỉ nói: “Tôi chỉ bảo vệ loài voi bằng xương bằng thịt”.

Trong truyện này, công việc của “tay da trắng điên khùng” Morel là đi trừng trị những người động đến voi, như bắn một mũi tên vào mông kẻ săn voi chẳng hạn.

Loài người từ lâu đã xác định là chủ tự nhiên, mà quên mất trước khi là “người”, chúng ta là “con”. “Chúng ta vẫn là động vật, mà tách mình ra khỏi tự nhiên, cho mình là chúa tể, gây mất cân bằng sinh thái”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Là một người nghiên cứu về phê bình sinh thái, chị Thái Hà cho rằng Rễ trời cho thấy con người đã quay lưng lại với tự nhiên ra sao. Ở đó, một con voi bị xé nát ra, da để làm gì, ngà để làm gì đều đã được tính toán. Cảnh tượng kinh hoàng nhất là khi nhân vật bước vào căn nhà thấy những cái chân voi xếp chồng lên nhau trong một không gian chật hẹp. Điều đó là sự dã man bởi trong tự nhiên, loài voi kềnh càng cần khoảng không to lớn. Từ đó nhân vật nhận ra sự xâm chiếm của con người, dồn loài vật đến bước diệt vong.

Sách Rễ trời. Ảnh: NN

Sách Rễ trời. Ảnh: NN

Khi ở trước quan tòa, khi quan tòa hỏi vì sao Minna đi theo Morel, có phải do cô thù hận đàn ông không. Nhưng cô bảo không, và cô cũng không thể diễn đạt được "cái đó" bằng lời. “Cái đó” rất khó gọi tên, nhưng đó chính là cảm nhận của chúng ta về quan hệ giữa con người và tự nhiên, là cảm nhận về cội rễ nguyên thủy của con người, của việc làm người.

Nhà nghiên cứu Thái Hà nói Rễ trời được viết năm 1957, dấu mốc ấy cực kỳ quan trọng. Chiến tranh Thế giới thứ hai là lúc nhân loại chứng kiến cuộc thảm sát lịch sử, khi con người thảm sát nhau, con người được chứng kiến bạo lực lộ hiện. Chi tiết con voi đưa vào phòng ngạt, cũng giống như cách phát xít đưa người Do Thái vào lò hơi. Nhà văn Romain Gary phát hiện ra bạo lực nối dài, dù chiến tranh kết thúc, nhưng con người vẫn tiếp tục bạo hành với con vật.

Thông điệp gửi loài người

Rễ trời không chỉ là câu chuyện bảo vệ hệ sinh thái mà còn đưa ra những thông điệp sâu sắc tới loài người. Trong hành trình tới châu Phi hoang dã sống cùng bầy voi, Morel là người đơn độc. Người ta không chấp nhận một tiếng nói khác biệt cộng đồng. Hành động của anh mang tới định nghĩa về phẩm giá con người, mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là “khoảng lề nhân loại”.

“Thông điệp khoảng lề nhân loại ở đây rất đơn giản, sáng rõ. Anh có biết bảo vệ loài voi không, anh có biết bảo vệ tự nhiên không, đó chính là phẩm giá con người”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Trong tác phẩm này nhân vật Morel được tạo ra như một truyền thuyết. Anh ấy rất ít khi xuất hiện. Tuy không trực tiếp nói, hành động, nhưng người đọc vẫn hình dung rất rõ về Morel. Anh hiện lên qua lời kể, điểm nhìn, cách hiểu của nhiều người, cả người chống đối lẫn người ủng hộ. Cuốn tiểu thuyết ba phần đã dựng lên cho chúng ta một nhân vật qua góc nhìn đa chiều như vậy.

Dường như là phi lý khi tác giả để cả đạo quân, chính quyền săn tìm nhưng không thể tiêu diệt được Morel. Điều đó không nhằm “thần thánh” hóa nhân vật, mà tác giả có dụng ý những gì là nguyên thủy, trong veo của tâm hồn người, phẩm giá con người thì các thế lực tiêu cực không thể chạm tới được.

Các tác phẩm của Romain Gary đã xuất bản ở Việt Nam.

Các tác phẩm của Romain Gary đã xuất bản ở Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Thái Hà, Rễ trời cũng như nhiều tác phẩm khác của Romain Gary có tính hướng thượng. Trong tiểu thuyết này, ông luôn viết về những thảm họa đáng sợ, vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu… Nhưng ông cũng viết ngay cả khi mọi thứ bủa vây tới cuộc sinh tồn, chỉ cần một người như Morel đang bước đi giữa sa mạc như thế, thì ta có quyền ngủ yên.

“Những cuốn sách như này rất có giá trị, đa tầng, đa lớp còn có nhiều thông điệp lâu dài. Chúng ta đừng cắt đứt rễ, nhất là cội rễ con người. Ta đừng cắt đứt cái rễ chung, cái rễ tính người, tính nhân loại của mình”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bao-hanh-voi-con-nguoi-danh-mat-nhan-tinh-post981126.html