Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Cần làm tốt công tác tuyên truyền để đạt mục tiêu bảo hiểm toàn dân

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đem lại lợi ích thiết thực cho những người làm nghề tự do, đến khi về già sẽ được nhận lương hưu để an hưởng tuổi già. Vậy nhưng thực tế hiện nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự 'mặn mà', hoặc thiếu thông tin về chính sách loại hình BHXH này.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đem lại lợi ích thiết thực cho những người làm nghề tự do, đến khi về già sẽ được nhận lương hưu để an hưởng tuổi già. Vậy nhưng thực tế hiện nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự “mặn mà”, hoặc thiếu thông tin về chính sách loại hình BHXH này.

Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do được lãnh lương hưu hằng tháng về già.

Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do được lãnh lương hưu hằng tháng về già.

Theo số liệu thống kê, TP Đà Nẵng tính đến tháng 10-2018, có 1.098 người tham gia BHXH tự nguyện (so với cùng kỳ năm trước giảm 475 người), trong số những người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là công chức, viên chức, người lao động đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc nay đóng thêm cho đủ 20 năm, để hưởng lương hưu hằng tháng. Nhiều lý do được người dân đưa ra để lý giải cho sự “không mặn mà” đối với BHXH tự nguyện đó là quyền lợi được hưởng của đối tượng khi tham gia BHXH tự nguyện có nhiều hạn chế. Trong đó, những quy định chưa hấp dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, như có sự khác nhau về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Cụ thể, nếu như người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng quyền lợi khi thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 quyền lợi cơ bản là hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, BHXH tự nguyện yêu cầu đối tượng tham gia lâu dài trong khi đời sống của đại bộ phận người dân lao động trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, khiến họ không mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Bà Nguyễn Kim Tính, làm nghề buôn bán trên địa bàn Q. Thanh Khê (TP Đà Nẵng) chia sẻ: Mỗi tháng thu nhập của vợ chồng bà khoảng hơn 8 triệu đồng. Vợ chồng bà được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động mua BHXH tự nguyện để khi về già hằng tháng có lương hưu, bớt gánh nặng cho con cháu. Tuy nhiên, bà cho rằng vì thấy phải đóng nhiều năm nên vợ chồng bà không tham gia. Ông Nguyễn Bá Kiểm (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Tôi có kinh tế tương đối ổn định, muốn tham gia loại hình bảo hiểm này để về già đỡ lo toan, nhưng cũng e ngại. Năm nay tôi đã 50 tuổi, nếu đóng thì sau 70 tuổi tôi mới được hưởng lương hưu. Theo tôi thời gian đóng bảo hiểm quá dài”. Bên cạnh những người như bà Tính, ông Kiểm... có nhiều người khác khi hỏi đến lại cho rằng không biết thông tin gì về loại hình bảo hiểm này ngoài BHYT.

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về việc tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Lê Anh Nhân- Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa được nhiều, chưa tương xứng với lực lượng đối tượng phải tham gia. Việc triển khai BHXH tự nguyện trên địa bàn TP Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, người dân chưa nhận thức hết về tính nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Thứ hai, công tác tuyên truyền của cơ quan BHXH nói riêng và các cơ quan liên quan nói chung trong thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong thời gian đến, BHXH TP Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các Hội, đoàn thể, phát huy hệ thống đại lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, chú trọng công tác cải cách hành chính đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho người dân. Về mặt chính sách, ông Nhân cho biết thêm, tiến tới BHXH toàn dân là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta và để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật BHXH để người dân thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, sẽ kiến nghị BHXH Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh một số quy định sao cho phù hợp, hài hòa với thực tế để thu hút người dân tham gia.

Có thể thấy, BHXH tự nguyện là một phần trong lộ trình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân. Chính việc triển khai thực hiện BHXH tự nguyện có nhiều ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội lớn nên thực hiện chính sách này có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống cho hàng triệu người lao động, ổn định xã hội, là một bước tiến mới trong thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh.

TRANG TRẦN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/101_198997_bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-can-lam-tot-cong-tac-tuy.aspx