Bảo hiểm xe cơ giới đơn phương hủy hợp đồng, có đúng luật?
Nhiều khách hàng bất ngờ khi bị hãng bảo hiểm gửi văn bản đề nghị, thông báo hủy ngang hợp đồng do quá trình sử dụng xe 'gặp tổn thất nhiều lần'.
Vì sao hãng bảo hiểm đòi hủy hợp đồng?
Theo biên bản làm việc lập ngày 22/12/2023 giữa bảo hiểm Bảo Long với khách hàng Dương Phúc Đăng (chủ xe Mitsubishi Xpander biển số 19A-53300), căn cứ vào lịch sử tổn thất được ghi từ ngày 7/7/2023 - 13/12/2023, chiếc xe phát sinh 4 vụ va chạm, thiệt hại ước tính 90 triệu đồng.
“Bảo Long đề xuất đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn theo điều 3.2c Quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe ô tô của bảo hiểm Bảo Long và hoàn lại phí bảo hiểm tương ứng thời gian còn lại của hợp đồng”, trích biên bản.
Ngày 2/1/2024, Bảo hiểm Bảo Long gửi văn bản cho chủ xe Dương Phúc Đăng thông báo việc hãng chính thức đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm từ ngày 17/1/2024.
Trước đó, hôm 8/8/2023 Công ty bảo hiểm AAA chi nhánh Lâm Đồng phát hành văn bản gửi khách hàng Nông Lê Minh (trú tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về việc hủy hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới (biển số 49A-540.23). Lý do hủy hợp đồng: “Do khách hàng gặp tổn thất liên tục kể từ ngày mua bảo hiểm”.
Theo văn bản, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, vị khách hàng này có 7 lần tổn thất hư hỏng xe ở các mức độ khác nhau, tỷ lệ tổn thất theo AAA tính toán là 648,9%.
Tỷ lệ này có nghĩa là số tiền AAA đã chi bồi thường bảo hiểm cho khách hàng Nông Lê Minh cao gấp 6,5 lần khoản phí bảo hiểm thu được.
Theo văn bản đề nghị hủy hợp đồng, lý do chủ yếu khiến bảo hiểm đề nghị đơn phương hủy hợp đồng là do khách hàng tổn thất nhiều lần.
Như khách hàng của bảo hiểm Bảo Long là 4 vụ trong 5 tháng (tổn thất 90 triệu đồng) và khách hàng của bảo hiểm AAA là 7 vụ trong 9 tháng (tổn thất gấp 6,5 lần phí bảo hiểm).
Đơn phương hủy hợp đồng có đúng pháp luật?
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bộ quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới của các hãng bảo hiểm đều có điều khoản đơn phương hủy hợp đồng.
Ví dụ, quy tắc của Bảo hiểm BSH (khoản 2, điều 3 quy tắc bảo hiểm tự nguyên xe cơ giới) nêu: “Trong thời hạn bảo hiểm, một trong hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định pháp luật bằng cách thông báo bằng văn bản cho bên kia”.
Các quy tắc bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới của AAA, VNI, PTI… cũng có điều khoản tương tự về quyền đơn phương hủy hợp đồng của đôi bên giao kết, kèm theo hoàn lại 70% phí bảo hiểm tương ứng phần thời gian còn lại của hợp đồng.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (VP luật Tinh Hoa Việt), thông thường việc hủy hợp đồng bảo hiểm diễn ra sau quá trình thương lượng tăng phí bảo hiểm, nhưng bất thành.
"Đàm phán lại mức phí là nội dung được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, được các hãng bảo hiểm cụ thể hóa trong bộ quy tắc của mình. Khâu này nếu không thành thì mới hủy hợp đồng", ông Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, đối với khách hàng có tỷ lệ rủi ro lớn, bảo hiểm thường đề xuất tăng phí tại một cuộc làm việc chính thức có lập biên bản. Khách hàng chấp nhận mức phí mới thì hợp đồng tiếp tục thực hiện, khách hàng không chấp nhận thì bảo hiểm sẽ hủy hợp đồng.