Bảo hiểm xe máy: Sẽ đơn giản thủ tục bồi thường
Là bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) dành cho chủ xe cơ giới, sau hơn 10 năm triển khai, bảo hiểm xe máy chưa thực sự đồng hành với người tham gia, bởi còn nhiều bất cập trong thủ tục thanh toán cũng như mức trách nhiệm bảo hiểm không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Điều này khiến nhiều người dân không 'mặn mà' với bảo hiểm xe máy, chủ yếu mua chỉ để đối phó vì sợ bị công an xử phạt.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, mới đây, Bộ Tài chính đã có thông báo số 349/TB-BTC về việc hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý, giám sát nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới; đồng thời dự thảo đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 103/2008/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 103) về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, theo hướng thuận lợi hơn cho đối tượng thụ hưởng loại hình bảo hiểm này.
* Nhiều điểm mới
Theo đó, thủ tục bồi thường cho người dân khi xảy ra tai nạn sẽ được đơn giản hóa. Đặc biệt chỉ đối với những trường hợp tai nạn chết người, hồ sơ bồi thường mới cần các văn bản từ cơ quan công an như: khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường... và cơ quan phát hành bảo hiểm phải có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cho người dân, chứ chủ xe không phải tự mình “bươn chải” tập hợp các thông tin, chứng cứ rồi gửi về cho cơ quan bảo hiểm như trước đây.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức bồi thường đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm xe máy khi xảy ra tai nạn, chủ xe sẽ được tạm ứng. Cụ thể với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thì tạm ứng 70% mức bồi thường đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường với trường hợp thương tật. Còn với trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn có thuộc phạm vi bồi thường thì tạm ứng 30% đối với trường hợp tử vong và 10% đối với trường hợp bị thương tật bộ phận được điều trị cấp cứu.
Thời gian tạm ứng cũng được đề xuất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo của khách hàng, doanh nghiệp phát hành bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe cho chủ xe máy. Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp phát hành bảo hiểm, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra phải cung cấp bản sao các giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn giao thông để doanh nghiệp bảo hiểm sớm bồi thường cho người dân.
Ông Trần Nguyên Hùng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Quy định mới về bảo hiểm xe máy sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho người tham gia. Đặc biệt là trách nhiệm tập hợp thông tin, hoàn tất thủ tục hồ sơ xin bồi thường giờ đây đã được giao cho doanh nghiệp bảo hiểm lo. Trước đây, thay vì chủ động thực hiện, doanh nghiệp bảo hiểm lại “đẩy” trách nhiệm này sang người tham gia bảo hiểm, trong khi không phải ai cũng có thời gian và khả năng thu thập đủ những tài liệu, văn bản theo yêu cầu”.
* Để bảo hiểm xe máy thực sự có ý nghĩa
Theo một số công ty phát hành bảo hiểm trên địa bàn tỉnh, từ ngày 15-5, Cảnh sát giao thông Công an Đồng Nai cùng cả nước ra quân kiểm tra các phương tiện giao thông, trong đó có kiểm tra bảo hiểm TNDS của chủ phương tiện, nhiều người dân đã đổ xô đi mua bảo hiểm TNDS để không bị xử phạt hành chính do không xuất trình được bảo hiểm TNDS, thực tế này đã nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xe máy của các công ty này lên khoảng 3%.
Công ty bảo hiểm P. là một trong những công ty phát hành bảo hiểm xe máy nhiều nhất ở Đồng Nai. 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 5 và 6-2020 khi cảnh sát giao thông ra quân tổng kiểm soát các phương tiện giao thông, tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm của công ty này tăng lên rõ rệt. Hiện số lượng đã đạt 18,4 ngàn xe máy tham gia bảo hiểm, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng (chiếm 76,5% so với cả năm 2019).
Theo số liệu thống kê của Cục Giám sát quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại các địa phương trong cả nước, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xe máy là rất thấp, chỉ đạt 30% trên tổng số lượng gần 60 triệu xe máy trong cả nước. Tại Đồng Nai, theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 2,2 triệu xe máy, nếu theo tỷ lệ bình quân 30% số lượng xe máy tham gia bảo hiểm của cả nước, thì Đồng Nai hiện mới có khoảng 660 ngàn xe máy tham gia bảo hiểm TNDS.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bảo hiểm xe máy, đại diện lãnh đạo của công ty bảo hiểm nói trên cho biết, hiện trên thị trường có nhiều công ty bảo hiểm tham gia phát hành bảo hiểm xe máy nên sự cạnh tranh rất cao. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2020, lượng phát hành bảo hiểm xe máy có tăng cao, nhưng so với 5 năm trước thì lượng phát hành giảm nhiều, chủ yếu người dân vẫn mua bảo hiểm để đối phó với việc bị công an xử phạt chứ không phải tự nguyện.
Giải thích ý kiến của người dân về bảo hiểm xe máy “dễ mua, khó bồi thường”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm ở TP.Biên Hòa cũng cho biết, lâu nay vì người dân mang tâm lý mua bảo hiểm xe máy để đối phó nên khi xảy ra tai nạn cũng không “mặn mà” làm hồ sơ và báo với doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu được bồi thường. Ngoài ra, những quy định giữa ngành tài chính và công an chưa thống nhất nên doanh nghiệp bảo hiểm đôi lúc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn giao thông. Còn nếu đúng đối tượng được bồi thường, hồ sơ đầy đủ theo quy định thì công ty vẫn thay chủ xe để bồi thường cho người bị nạn. Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp này cũng đã bồi thường cho hàng trăm trường hợp, trong đó nhiều trường hợp được bồi thường với mức cao nhất là 100 triệu đồng.
Riêng đề xuất của Bộ Tài chính về tạm ứng bồi thường từ 30-70% cho chủ xe tham gia bảo hiểm, một số công ty bảo hiểm ở TP.Biên Hòa cho rằng nên cân nhắc. Những trường hợp được tạm ứng, doanh nghiệp bảo hiểm phải được cảnh sát giao thông cung cấp cơ sở ban đầu để xác định đúng đối tượng được bồi thường. Nếu bắt doanh nghiệp tạm ứng, nhưng sau đó không đúng đối tượng bồi thường thì khoản tiền tạm ứng rất khó thu hồi.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, nếu sản phẩm bảo hiểm cung cấp có chất lượng, quy định rõ ràng, thủ tục bồi thường thuận lợi..., người dân sẽ không ngần ngại tham gia. Mặt khác, để minh bạch, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tư vấn, thông tin rõ ràng cho khách hàng sản phẩm nào là bắt buộc, sản phẩm nào là tự nguyện, mức bồi thường như thế nào... để người dân hiểu rõ và tự nguyện tham gia.