Bảo Lạc quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc

Bảo Lạc dành nhiều nguồn lực và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ mô hình trồng cây trúc sào và trồng sắn, gia đình ông Hoàng Sành Phin, xóm Nặm Cốp, xã Huy Giáp mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Phin cho biết: Nhờ có các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như đầu tư hạ tầng cơ sở, các nguồn vốn ưu đãi, tôi được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi qua sách, báo, ti vi, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đầu tư trồng trúc sào, sắn nguyên liệu. Đến nay, gia đình tôi có 7 ha trúc sào, 5 ha sắn, mỗi năm thu hoạch từ 250 - 300 triệu đồng. Nhờ những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi vươn lên thành hộ khá trong xã.

Bảo Toàn là xã đặc biệt khó khăn, có 5 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37,2%, hộ cận nghèo chiếm 11,45%. Khi xã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS, nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết cùng nhau góp sức thực hiện chương trình. Từ năm 2019 đến nay, nhân dân đóng góp 2.450 ngày công lao động, hiến 34.042 m2 đất mặt bằng, đóng góp 896 m3 cát, đá, sỏi, góp phần hoàn thành 10/19 tiêu chí nông thôn mới của xã.

Nhân dân xã Huy Giáp (Bảo Lạc) thực hành kỹ thuật trộn phân vi sinh sau khi được xã tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân vi sinh.

Nhân dân xã Huy Giáp (Bảo Lạc) thực hành kỹ thuật trộn phân vi sinh sau khi được xã tập huấn về kỹ thuật sản xuất phân vi sinh.

Chính sách dân tộc đã góp phần tích cực, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng DTTS huyện Bảo Lạc. Bằng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm qua (2019 - 2024), huyện hỗ trợ 91 tỷ 803 triệu đồng để bà con mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, hỗ trợ tạo đất sản xuất, khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, xây dựng chuồng trại, tổ chức tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án. Thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 421 ha dâu tằm, 2.600 ha hồi, 1.626 ha quế, 2.173 ha trúc sào... Phát triển các loại cây đặc hữu của địa phương như lúa nếp Hương, mận máu, lê vàng, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân, vươn lên thoát nghèo. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,91%; đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 41,82%.

Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc gần 700 tỷ đồng, huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp mặt đường 40 tuyến, dài 149 km; xây mới 20 tuyến đường đến trung tâm các xóm dài 69 km; làm mặt đường bê tông xi măng ngõ xóm 51 tuyến, dài 81 km; xây mới và sửa chữa 11 cầu, 25 cống các loại. Đầu tư xây mới và sửa chữa 10 km đường điện ĐZ35Kv, 57 km ĐZ0,4Kv, lắp đặt 17 trạm biến áp. Đầu tư xây dựng mới một số hạng mục của 12 trường, gồm 40 phòng học, 33 phòng công vụ giáo viên, 4 phòng ở cho học sinh, 3 nhà bếp, nhà ăn và cải tạo, sửa chữa 26 trường, điểm trường. Cải tạo, sửa chữa một số hạng mục của Trung tâm Y tế huyện, đầu tư xây mới 2 trạm y tế. Xây mới và sửa chữa 21 công trình thủy lợi, 13 công trình cấp nước sinh hoạt, xây mới 27 nhà văn hóa. Đến nay, 17/17 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa hệ thống đường trên địa bàn huyện đạt 46,1%; 106/146 xóm có điện lưới, bằng 72,6%. Tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 98,2%; 100% xóm có nhà văn hóa kiên cố, 6/17 xã có nhà văn hóa trung tâm xã đạt yêu cầu...

Người dân xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) phát triển chăn nuôi bò.

Người dân xã Bảo Toàn (Bảo Lạc) phát triển chăn nuôi bò.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc Nguyễn Minh Châu cho biết: Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo, củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng núi, biên giới của Tổ quốc. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn, mức sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS còn cao, nhiều hộ thoát nghèo chưa thật sự bền vững, còn tình trạng tái nghèo. Một bộ phận đồng bào vẫn còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống bà con vùng DTTS.

Thời gian tới, huyện cần triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; triển khai chính sách dân tộc theo hướng phân cấp cho huyện, xã trực tiếp quản lý nguồn lực, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; đầu tư hạ tầng cơ sở cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế..., tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn lực, trực tiếp tham gia, giám sát, công khai, dân chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và quyền làm chủ của đồng bào DTTS; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên...; giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-lac-quan-tam-thuc-hien-cac-chinh-sach-dan-toc-3172397.html