Bảo Lâm: Nâng chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Nhờ những giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại Bảo Lâm những năm gần đây đã được nâng lên trông thấy.

Một lớp học trong vùng dân tộc thiểu số tại Bảo Lâm

Mở lớp học sớm trong hè

Nằm trên địa bàn có đông người dân tộc K’Ho sinh sống, nên năm nào Tiểu học - Trung học cơ sở (TH-THCS) Lê Lợi tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm trong hè cũng mở lớp cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

“Đây là các lớp tăng cường tiếng Việt cho các cháu năm nay vào lớp 1, các em đến lớp làm quen với bạn bè, với thầy cô để khi vào năm học mới các em khỏi bỡ ngỡ” - cô giáo Lục Thị Đẹp cho biết.

Theo danh sách, năm học 2019 - 2020 này, trường có 58 học sinh bước vào lớp 1 tại hai điểm trường Thôn 4 và Thôn 6, trong đó riêng tại Thôn 6, toàn bộ 22 học sinh vào lớp 1 đều là người DTTS bản địa.

Để các em đến lớp đầy đủ, thời gian đầu phải cần người vận động. “Những tuần đầu cả lớp chỉ được 7 em” - cô Đẹp cho biết. Thế là nhà trường nhờ chính quyền xã, các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên xã đến từng nhà thuyết phục để cha mẹ đưa các em đi học, sau đó mới tăng dần lên con số 22.

Do các em từ nhỏ sống trong gia đình chỉ sử dụng tiếng dân tộc, địa bàn sinh sống cũng chủ yếu người của cộng đồng mình nên khi đến lớp các em khá rụt rè, vốn từ tiếng Việt hạn chế. Vì vậy, theo cô Đẹp, giáo viên đứng lớp phải khuyến khích cho các em từng bước làm quen dần với tiếng Việt, tập cho các em nghe, nói, tập diễn đạt bằng tiếng Việt.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Sơn - Hiệu trưởng TH-THCS Lê Lợi cho hay, năm nay, theo kế hoạch của Phòng Giáo dục huyện, đến đầu tháng 7 mới bắt đầu mở lớp tăng cường tiếng Việt cho các em nhưng trường nơi đây tổ chức lớp có sớm hơn chút, ngay từ cuối tháng 6. “Lớp tổ chức sớm là để các em có thời gian nhiều hơn làm quen với tiếng Việt, khi vào năm học các em có vốn liếng để bắt kịp nhịp với bài học theo quy định” - ông Sơn nói.

Ðể các em tự tin đến trường

Là một huyện có đông cộng đồng người DTTS sinh sống, Bảo Lâm trong những năm gần đây đã có những giải pháp cụ thể để tăng cường chất lượng dạy và học cho học sinh trên địa bàn nói chung, học sinh DTTS nói riêng.

Trong năm học 2018 - 2019 vừa qua, Bảo Lâm có tổng cộng 24.817 học sinh trong các cấp học do Phòng quản lý, trong đó có 7.537 học sinh DTTS (tỷ lệ chiếm 30,4%). Trong số học sinh DTTS này có 1.780 em ở bậc mầm non thì có hơn phân nửa là 823 em vào lớp 1, tỷ lệ huy động ra lớp đạt 100%. Ở bậc tiểu học, có 3.872 em, tỷ lệ học sinh DTTS từ lớp 1 đến lớp 4 hoàn thành chương trình các lớp học đạt 98,1%; số học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học là 679/679 em, đạt tỷ lệ 100%. Với bậc THCS, có 1.885 học sinh DTTS, tỷ lệ huy động ra lớp đạt 98,5%; số học sinh tốt nghiệp 423/424 em, đạt tỷ lệ 99,8%.

Để duy trì sỹ số, giảm thiểu học sinh DTTS bỏ học giữa chừng, Phòng Giáo dục huyện yêu cầu các trường học phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường vận động cũng như giáo viên chủ nhiệm lớp thông qua các cuộc họp lớp hay gặp gỡ với phụ huynh để vận động các gia đình hợp tác với nhà trường trong giáo dục con em mình, khuyến khích con em mình đi học, khi thấy dấu hiệu bỏ học phải báo với trường để trường và chính quyền đến vận động các cháu đến lớp trở lại. Nhờ những biện pháp quyết liệt này, số lượng học sinh DTTS của huyện bỏ học giữa chừng gần đây đã giảm xuống đến mức thấp nhất.

Nhờ tăng cường chất lượng dạy và học nên tỷ lệ học sinh khá giỏi tại huyện những năm gần đây cũng tăng lên, trong đó có học sinh DTTS. Như trong năm học 2018 - 2019 vừa qua, có 13 học sinh DTTS của huyện đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp huyện; có 4 học sinh DTTS đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh.

Theo ông Lê Đức - Trưởng phòng Giáo dục Bảo Lâm, huyện đã thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách đối với học sinh và giáo viên công tác trong vùng DTTS; làm tốt công tác hỗ trợ chi phí học tập, cung cấp sách vở đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh DTTS theo các quy định hiện hành.

Đặc biệt, trong nhiều năm nay Phòng thực hiện rất tốt các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong dịp hè mỗi đầu năm học. Như trong năm học 2018 - 2019 vừa qua, Bảo Lâm đã tổ chức 28 lớp tại 14 trường học trên địa bàn với tổng kinh phí gần 345 triệu đồng.

Trong năm học 2019 - 2020 này, huyện tổ chức 30 lớp tăng cường tiếng Việt tại 16 trường học trên địa bàn huyện với 30 giáo viên phụ trách cho 691 học sinh DTTS bước vào lớp 1, tổng kinh phí cho các lớp học dự kiến khoảng 447 triệu đồng.

Tại các lớp tăng cường, bên cạnh dạy tiếng Việt, Phòng Giáo dục cũng yêu cầu các trường tổ chức vui chơi giữa giờ, các hoạt động bổ trợ khác như hát, múa, xem tranh, tổ chức trò chơi, nhận diện chữ cái... nhằm khuyến khích các em đến trường. Cùng đó, các em khi đến lớp cũng được trang bị đầy đủ sách học, bảng con, bút chì, phấn viết cho các hoạt động tại lớp.

Là một người từng hơn 21 năm phụ trách công tác giáo dục, ông Đức đã chia sẻ với chúng tôi rằng, để dạy học cho học sinh người DTTS, người giáo viên ngoài chuyên môn và nghiệp vụ vững vàng thì cần phải có sự thấu hiểu, tấm lòng và tình thương. Bởi học sinh DTTS địa phương khá nhút nhát, địa bàn sinh sống đa phần sử dụng tiếng dân tộc mình nên cần phải có phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chính vì vậy, với tư cách là Trưởng phòng Giáo dục, trong chỉ đạo ông luôn nhấn mạnh với thầy cô giáo trong huyện rằng, ngoài trọng trách dạy học nên là người bạn, là người đồng hành để khuyến khích, tiếp thêm niềm tin cho các em mỗi ngày đến trường.

VIỆT THUẬN - GIA KHÁNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/bao-lam-nang-chat-luong-giao-duc-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-2959602/