Bao lâu nên nội soi dạ dày, đại tràng để sớm phát hiện ung thư đường tiêu hóa?

Số ca mắc và tử vong vì ung thư dạ dày ở Việt Nam rất lớn liên quan nhiều đến thói quen ăn uống, sinh hoạt, tiền sử gia đình.

Người phụ nữ ở Hà Nội phát hiện có tổn thương 10mm vùng hang vị và tiền môn vị, nghi ung thư dạ dày trong lần tình cờ đi khám bệnh. Kết quả sinh thiết tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) cho thấy nữ bệnh nhân 65 tuổi này mắc ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Ngày 25/10, bệnh nhân được các chuyên gia nội soi cắt tách niêm mạc dạ dày, loại bỏ khối u. Ca nội soi diễn ra trong hơn 30 phút, toàn bộ tổn thương được loại bỏ, hạn chế tối đa biến chứng cho bệnh nhân.

Chuyên gia nội soi cắt tách niêm mạc dạ dày, loại bỏ khối u cho nữ bệnh nhân ngày 25/10.

Chuyên gia nội soi cắt tách niêm mạc dạ dày, loại bỏ khối u cho nữ bệnh nhân ngày 25/10.

Đây là một trong hàng chục bệnh nhân được phát hiện, can thiệp điều trị ung thư sớm tại Bệnh viện 19-8 gần đây.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị khoa học Tiến bộ trong nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên -kỹ thuật và kết quả diễn ra ngày 25/10, PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, cho biết Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ ung thư dạ dày cao.

Trước đây, mỗi tuần, Bệnh viện 19-8 phát hiện 2 ca ung thư đường tiêu hóa, hầu hết đều ở giai đoạn muộn. Hiện nay, sự phát triển kỹ thuật, thiết bị và hợp tác với chuyên gia trong và ngoài nước, thầy thuốc bệnh viện này có thể phát hiện sớm các tổn thương vùng hạ họng, dạ dày, thực quản, đại trực tràng... với kích thước rất nhỏ, chưa có di căn xa.

Trong hơn 20 bệnh nhân được can thiệp bằng ESD đường tiêu hóa trên tại Bệnh viện 19-8 trong 1 năm qua, ca trẻ nhất 47 tuổi, phát hiện ung thư sớm sau 3 tháng có triệu chứng rối loạn đại tiện; nhiều ca không có triệu chứng. Theo dõi sau can thiệp từ 6-12 tháng, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định. "Với kỹ thuật này, chi phí khoảng 15-20 triệu đồng, được BHYT chi trả", bác sĩ Tuyền cho biết.

Bao lâu nên nội soi một lần để sớm phát hiện bệnh ung thư đường tiêu hóa?

Để phát hiện ung thư dạ dày sớm, các chuyên gia khuyến cáo nhóm đối tượng nguy cơ cao nên thường xuyên đi tầm soát như người trên 45-50 tuổi; có yếu tố tiền sử gia đình, có nhiễm vi khuẩn HP, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia; người ăn nhiều đồ chiên rán, đồ cay nóng, ăn nhiều thịt đỏ...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, không có công thức chung cho việc bao lâu nên nội soi dạ dày, đại tràng một lần để tầm soát ung thư đường tiêu hóa mà tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể.

Ví dụ, một người 50 tuổi đi tầm soát ung thư dạ dày, lần soi đầu tiên cho kết quả bình thường, dạ dày không có tổn thương, tiền sử gia đình không có gì đặc biệt thì người đó có thể 5 năm soi lại 1 lần.

Nếu trong lần nội soi đầu tiên phát hiện có viêm dạ dày mạn tính, mức độ nặng hoặc có dị sản ruột..., người bệnh nên nội soi mỗi năm 1 lần.

Người có bố mẹ mắc ung thư dạ dày, trên 35 tuổi nên đi nội soi dạ dày hàng năm. Nếu bố mẹ ung thư dạ dày thể tế bào nhỏ kém biệt hóa, con trẻ khi bắt đầu qua tuổi vị thành niên nên cho đi nội soi tầm soát.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-lau-nen-noi-soi-da-day-dai-trang-de-som-phat-hien-ung-thu-duong-tieu-hoa-2335581.html