Bạo loạn ở điện Capitol phô bày tương lai nghiệt ngã của Mỹ?
Các chuyên gia cảnh báo cuộc bạo loạn ở điện Capitol chỉ là bước khởi đầu. Những gì tiếp sau có thể sẽ thay đổi thế giới mãi mãi.
Ông Patrick Skinner, cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đưa ra dự đoán không lạc quan sau khi chứng kiến diễn biến tại đồi Capitol: "Có thể xảy ra một số vụ xả súng hoặc một vài vụ đánh bom trước hoặc sau lễ nhậm chức".
Một quan chức đảng Cộng hòa nói với kênh NBC ngay trước cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội hôm 6-1: "Ông Trump sẽ không dừng lại". Một đồng minh giấu tên khác của Tổng thống Donald Trump nói thêm: "Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn".
Theo Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group - ICG), "cuộc bầu cử bị phân cực, cả hai bên bị cuốn vào các tác nhân bạo lực có thể làm gián đoạn quá trình và có thể xảy ra tranh chấp kéo dài".
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Denver Riggleman, cựu nhà phân tích tình báo của Lực lượng Không quân, nói rằng ông đã cố gắng cảnh báo các đồng nghiệp của mình về mối đe dọa đang rình rập. Ông Riggleman nói với tờ Independent: "Khi đặt những ý tưởng cấp tiến cùng với niềm tin vào Đấng Messiah (của người Do Thái), đó chính là công thức dẫn đến thảm họa".
Trong cách nhìn của ông Riggleman, nước Mỹ đang phải hứng chịu một "cơn sốt vô nghĩa", khi nhiều kẻ xấu phát tán các thuyết âm mưu giả tạo và viển vông dưới các biểu ngữ như QAnon, Kraken, Stop the Steal, Scamdemic…
Trang news.com.au dẫn phân tích của ICG: "Vết thương của những di sản của chế độ nô lệ ở Mỹ chưa bao giờ lành hoàn toàn", cộng với vấn đề súng đạn, sắc tộc, bất bình đẳng kinh tế là những nguồn căng thẳng kinh niên.
Giờ đây, các nhà phân tích Mỹ bao gồm cả phó giáo sư David Smith của Trường ĐH Sydney cảnh báo nhiều điều có thể xảy ra: "Đối với Tổng thống Trump, đây là toàn bộ cuộc chơi. Tại thời điểm này, có vẻ như không có gì khác mà ông ấy quan tâm. Ông ấy đang tuyệt vọng, cố gắng bám lấy quyền lực".
Theo TS David Smith của Trường ĐH Sydney, Tổng thống Mỹ đã lãnh đạo đất nước của mình thông qua một quá trình cực đoan hóa. Ông Smith nói: "Không thể tránh khỏi việc một số người Mỹ sẽ rất coi trọng lời của tổng thống đương nhiệm của họ. Việc kiểm soát hành vi của đám đông trở nên khó khăn hơn nhiều". "Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ họ biết rằng họ không thể thực sự nắm quyền. Họ sẽ chỉ tạo ra nhiều hỗn loạn nhất có thể và say sưa với sự phi lý của chuyện đó" - TS David Smith nhận xét.
Nhà khoa học chính trị David McLennan nói với đài ABC của Mỹ vào ngày 6-1: "Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Đây là khủng bố trong nước. Đây là xúi giục nổi loạn. Tôi sẽ nói với sinh viên của mình hai điều về những gì đã xảy ra ở Washington, ngày hôm nay. Thứ nhất, đây không phải là dân chủ. Thứ 2, tôi sẽ nói rằng đất nước sẽ tồn tại và phát triển bất chấp âm mưu đảo chính chống lại chính phủ".
Ông McLennan tỏ ra lạc quan về kết quả cuối cùng: những kẻ bạo loạn sau cùng chỉ đơn giản là rút lui. Thế nhưng, các nhà phân tích chính trị khác không chắc chắn như vậy. Họ cho rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Thực tế, có thể chỉ mới bắt đầu. Đó là một công thức để giải quyết rắc rối trên toàn thế giới.
Vài tháng tới sẽ cho thấy liệu các tổ chức công bị mất uy tín và trung lập của Mỹ có đủ năng lực để lãnh đạo nước này vượt qua sự thay đổi chính trị xã hội hỗn loạn hay không. Báo cáo của ICG cảnh báo: "Nếu không thể, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có thể đối mặt với thời kỳ bất ổn ngày càng tăng và uy tín ngày càng giảm ở nước ngoài".