Báo Pháp luật và Xã hội cùng bạn đọc đến với bà con vùng lũ Sa Ná
Hơn 11g ngày 16-8-2019, Đoàn thiện nguyện chúng tôi vào Sa Ná. Đã gần nửa tháng sau cơn lũ dữ số 3 đi qua, nhưng dấu tích của cơn lũ vẫn còn đó với những ngôi nhà sàn đã đổ sập, xiêu vẹo, từng đống gỗ, rác được chất bên đường.
1. Những bản tin thời sự về thiệt hại sau cơn bão số 3, nhất là cơn lũ quét gây ra trên địa bàn huyện Quan Sơn, Mường Lát khiến nhóm phóng viên thường trú tỉnh Thanh Hóa không khỏi sốt ruột.
Đề xuất nêu lên, Tổng Biên tập gật đầu ngay, chỉ nhắc: Phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên, vận động thêm anh em trong cơ quan nữa. Vậy là chuyến đi của chúng tôi được tiến hành chỉ sau vài ngày lên kế hoạch.
Điểm chúng tôi chọn đến là bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa nơi bị thiệt hại nặng nề nhất: có 10 người dân bị thiệt mạng, 4 người bị thương, điểm trường tiểu học khu Son và 23 nhà dân bị cuốn trôi hoàn toàn, 12 ngôi nhà bị sập đổ.
2. Hơn 11g ngày 16-8-2019, Đoàn thiện nguyện chúng tôi bắt đầu vào Sa Ná. Đã gần nửa tháng sau cơn lũ dữ số 3 đi qua, dấu tích của cơn lũ dữ vẫn còn đó với những ngôi nhà sàn đã đổ sập, xiêu vẹo, từng đống gỗ, rác được chất bên đường. Con đường khoảng 3km từ UBND xã Na Mèo vào Sa Ná lầy lội, trơn trượt và gập ghềnh khiến ngay cả những chiếc xe tải chở vật liệu để đổ lại con đường, cũng chấp nhận chỉ đi được vài trăm mét rồi dừng lại.
Để vào bản chỉ di chuyển được bằng lội bộ và xe máy, với người cầm lái chắc chắn phải sinh sống ở nơi này. Đoàn chúng tôi không còn cách nào khác, chỉ có thể mang theo vào bản với bà con và các cháu học sinh các phần quà bằng tiền mặt, với sự hỗ trợ của 4 thầy giáo "cắm bản" của Trường Tiểu học Na Mèo.
Những thùng sách vở, bánh trung thu, sữa tươi sau khi được gửi xe tải, rồi lại bốc xuống, gửi một nhà dân ven đường. Cuối cùng, chúng tôi đành chọn nhờ các thầy giáo chở về điểm chính của Trường Tiểu học Na Mèo, chờ ngày tựu trường, sẽ trao cho các cháu học sinh.
3. Không có những giọt nước mắt, những người dân đón chúng tôi là những khuôn mặt thất thần. Những ngày qua, có lẽ họ đã khóc cạn nước mắt, để mong có một phép nhiệm màu nào đó. Nhưng không, cơn lũ dữ đã khiến 10 người thân của họ vĩnh viễn không trở về, và đến nay, vẫn còn 5 người chưa tìm được thi thể, 4 người bị thương nặng…
Đó là anh Hà Văn Vân chỉ trong chốc lát mất đi bố mẹ, vợ và hai con trai đều đang học tiểu học. Là cô giáo Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên của điểm trường bản Son, bị lũ cuốn mất đứa con mới 4 tháng tuổi, còn anh Hoàng Xuân Luyến – chồng cô, may mắn thoát chết nhưng vẫn đang nằm viện vì bị dập thận. Là cháu Nguyễn Bảo An, học sinh lớp 4, đã không còn được gọi tiếng “mẹ ơi”…
Nhóm phóng viên chúng tôi không ai dám hỏi họ gì thêm. Chia sẻ, thăm hỏi – những ngày qua chắc họ đã nhận được nhiều, nhưng mỗi lời thăm hỏi, cũng sẽ khiến họ chạm vào tận cùng nỗi đau thương, mất mát.
Tôi cũng không dám nghĩ nếu chẳng may cơn lũ dữ xảy ra không phải vào dịp hè, mà đang trong năm học, mà cả dãy phòng học, phòng ở của thầy cô còn bị cuốn trôi thế kia thì 4 thầy cô với gần 70 đứa trẻ sẽ xoay xở ra sao…
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho hay, những gia đình có người chết, bị thương, cũng là những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất, bị cuốn trôi luôn nhà cửa. Hiện giờ, các gia đình này đang ở nhờ anh em, bà con trong bản.
Điểm trường bản Son đã bị lũ đã cuốn trôi hoàn toàn, nên sắp tới, trường sẽ được xây lại ở khu tái định cư, cao hơn để tránh lũ. Hi vọng, trong năm học mới, 70 đứa trẻ tại điểm trường này sẽ có nơi học kiên cố hơn.
Sau khi trao các phần quà cho bà con và các cháu học sinh, một thầy giáo trẻ của trường Tiểu học Na Mèo mà chúng tôi chưa kịp biết tên dẫn Đoàn đi vào điểm bị sạt lở nặng nhất trong bản.
Một đứa trẻ tầm 10 tuổi ở ngôi nhà ven đường chạy ra chào thầy. Đó là cháu Ngân Công Việt – đứa trẻ vô cùng may mắn vì biết bơi, túm được vào thanh gỗ, được người dân phát hiện kịp thời và cứu sống khi bị lũ cuốn trôi chừng 4km. Nay, các vết thương trên lưng và cổ cậu bé đã sắp lành. Việt có tên trong danh sách tặng quà của Đoàn thiện nguyện, nhưng mẹ cậu bé nhận thay, vì chẳng dám để con đi bộ đến điểm nhận cứu trợ của bản.
Thầy hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo Lương Chung Thành cho hay, học sinh tiểu học ở đây không ăn bán trú, nhưng các cháu rất chịu khó đến trường, dù phải đi bộ nhiều km. Na Mèo có 5 điểm trường tiểu học, và có những điểm trường cách nhau 18 km.
4. Chúng tôi rời Sa Ná lúc 14g30. Không lâu sau đó trời mưa tầm tã. Bên kia là con sông Luồng vẫn đục ngầu, ngổn ngang những thân cây gỗ và rác. Lạy trời...