Bão Rai di chuyển phức tạp, đất liền ven biển chủ động ứng phó gió mạnh cấp 11

Dự kiến đêm mai (17/12), bão Rai sẽ đi vào Biển Đông.

Dự kiến đêm mai (17/12), bão Rai sẽ đi vào Biển Đông.

Chiều 16/12, bão Rai tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25 - 30km. Dự kiến đến 7 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Nam miền Trung Phillipines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 135 - 150km/giờ), giật cấp 16.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ đêm nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10, từ gần sáng và ngày mai ở vùng biển phía Đông khu vực giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 5 - 7m; biển động dữ dội.

Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, bão Rai sẽ duy trì cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh. Đến đêm 17/12, bão sẽ đi vào biển Đông, khi vào sát bờ có thể đổi hướng. Khu vực đất liền ven biển và các đảo sẽ có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11.

Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịnh bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, TP ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão. Thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú.

Đối với đất liền, hải đảo, cần tập trung rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt; giao thông từ đất liền ra các đảo và phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các đảo.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu. Tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.

Cùng với đó, sẵn sàng triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở. Rà soát nhà ở không an toàn; phương án kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Đồng thời, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-rai-di-chuyen-phuc-tap-dat-lien-ven-bien-chu-dong-ung-pho-gio-manh-cap-11-443816.html