Bão số 9 nhanh và mạnh, nâng cấp ứng phó, dự kiến sơ tán hơn 1,2 triệu dân
Dự báo bão số 9 đi nhanh, cường độ đạt cấp 12 khi vào bờ, gây mưa lớn diện rộng kéo dài từ 27-31/10.
Bão mạnh ảnh hưởng rộng từ Nghệ An tới Phú Yên
Sáng 26/10, Ban chỉ đạo TƯ về PCTT họp ứng phó với cơn bão số 9 dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho hay, tới 9 giờ sáng nay, bão số 9 đã đi vào Biển Đông. “Trước tình hình bão đi nhanh, cường độ mạnh nên Trung tâm đã phá lệ phát tin bão khẩn cấp trên Biển Đông để nâng cấp ứng phó”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Dự báo tới sáng ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến sáng ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Khiêm, khác với bão số 8 bị ảnh hưởng yếu tố không khí khô và lạnh nên bị suy yếu, bão số 9 khi đi vào Biển Đông với tầm thấp nên vẫn giữ cường độ cao khi tiến vào vùng biển miền Trung. Cần lưu ý gió mạnh, sóng biển cao 8-10m trên Biển Đông và vùng ven bờ có nới 6-7m.
“Dự báo bão số 9 đi nhanh, cường độ mạnh, vùng ảnh hưởng rất rộng từ Bắc Trung Bộ tới Nam Trung Bộ, do đó cơ quan khí tượng đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp 5 (cấp thảm họa)”, ông Khiêm nói và cho biết: “Dự báo thời tiết từ chiều mai 27/10 trên vùng biển ven bờ miền Trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão có dông lốc, gió giật mạnh. Sang ngày 28, đất liền chịu ảnh hưởng trực tiếp gió mạnh, giật cấp 9 từ hoàn lưu bão số 9. Vùng trọng tâm phạm vi ảnh hưởng từ Thừa – Thiên Huế tới Phú Yên”.
Về lượng mưa, ông Khiêm nhận định bão số 9 gây mưa từ chiều 27-29/10 trên phạm vi rộng từ Nam Nghệ An tới Phú Yên với lượng mưa từ 200-400mm. “Sau khi đi vào đất liền kết hợp với không khí lạnh, hoàn lưu bão số 9 sẽ gây mưa kéo dài tới 30-31/10, tổng lượng mưa trong đợt này, nhiều nơi có thể lên tới 500-700mm”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, lũ trên lưu vực sông từ Nghệ An tới Phú Yên sẽ xuất hiện đợt lũ mới, một số điểm lên báo động 3. “Cảnh báo nguy cơ cao về ngập lụt vùng trũng thấp và sạt lở đất tới rất cao các khu vực miền núi”, ông Khiêm lưu ý.
Lên kịch bản sơ tán hơn 1,2 triệu dân
Nhận định bão số 9 vào bờ có cường độ cấp 12, ông Trần Quan Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, theo kịch bản, 7 tỉnh thành phố trong vùng ảnh hướng sẽ phải phải sơ tán hơn 1,2 triệu dân; thông báo và liên lạc tới hơn 65 nghìn tàu thuyền vào nơi an toàn… “Đây là công việc lớn cần khẩn trương thực hiện. Đáng lưu ý khu vực bão ảnh hưởng có tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản lên tới hơn 14 nghìn ha và hơn 200 nghìn lồng bè”, ông Hoài nhấn mạnh. Ngay trong đêm qua và sáng nay, Chính phủ và Ban chỉ đạo TƯ về PCTT đều đã có công điện khẩn chỉ đạo chi tiết các địa phương nhiệm vụ cần phải làm.
“Trong tối mai (27/10) phải xong kiểm đếm kêu gọi tàu thuyền, đặc biệt đối tượng tàu vận tải; hệ thống hồ chứa phải nghiêm túc thực hiện quy định về xả lũ; các địa phương theo dõi diễn biến thực tế để cương quyết cấm biển, cho học sinh nghỉ học, sơ tán người dân tới nơi an toàn; chuẩn bị các phương tiện cứu hộ cứu nạn sẵn sàng nhận nhiệm vụ…”, ông Hoài nhấn mạnh.
Có mặt tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Miền Trung đang ở tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo TƯ về PCTT, không được mất cảnh giác, lên tinh thần chủ động phòng chống giảm tránh thiệt hại cho địa phương… Đối với cơn bão số 9, gió bão dông lốc mạnh kéo dài từ 27/10, đề nghị chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn tính mạng con người đặt lên trên hết, cương quyết đưa ngư dân lên bờ, sơ tán dân vùng trũng thấp; trường hợp nào không thực hiện cần phải xử lý nghiêm”.
Ngoài ra Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác cứu nạn cứu hộ cho 5 tỉnh miền Trung vẫn cần được tiếp tục triển khai, đừng để người dân trong cảnh màn trời chiếu đất, đói rét”.
Thủ tướng giao Bộ đội Biên phòng, công an phối hợp với chính quyền tại chỗ tập trung lực lượng cứu dân trong và sau bão; dùng những phương tiện hiện đại để sơ tán, cứu người dân bị kẹt; đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc dài ngày… “Cần quán triệt tinh thần 4 tại chỗ chỉ đạo biện pháp ứng phó đồng bộ quyết liệt sát thực tiễn đặc biệt tại những địa phương Nam Trung bộ chưa có kinh nghiệm phòng chống bão mạnh. Mặt khác yêu cầu các bộ ngành địa phương không tổ chức những cuộc họp nếu chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.