Bão số 9 tiếp tục mạnh thêm, dự kiến sơ tán hơn 1 triệu dân
Sáng 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020, dự báo có phạm vi ảnh hưởng tới 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Bão số 9 tiếp tục mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 620km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão nằm ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 10 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.
Dự kiến sơ tán hơn 1 triệu dân
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) chống bão số 9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 26/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, phải đặc biệt lưu ý về cường độ của bão số 9.
Dự kiến từ chiều mai 27/10, trên vùng biển ven bờ đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gió mạnh. Từ đêm 27 đến rạng 28/10 ven biển đất liền sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão. Trọng tâm ảnh hưởng sẽ từ nam Nghệ An đến Phú Yên. Sóng biển cao trên biển Đông từ 8-10 m, gần bờ sẽ cao từ 6-8 m. Về lượng mưa, phạm vi sẽ rất rộng, vời khoảng từ 200-400 mm.
"Với tình toán, lượng mưa từ 27 đến 31/10, ở khu vực này lượng mưa có thể lên đến 500-700 mm/ đợt; trên nhiều sông, lũ sẽ vượt báo động 2, báo động 3. Nguy cơ rất cao sạt lở đất, lũ quét khu vực từ Nghệ An - Phú Yên"- ông Khiêm cảnh báo.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết nếu tình huống xảy ra như dự báo thì phải sơ tán hơn 1 triệu dân.
Số lượng tàu thuyền đang hoạt động cần kêu gọi, thông báo rất lớn. Hiện có 65 ngàn tàu tuyền hoạt động nhưng mới chỉ thông báo được 45 ngàn. Cùng với đó, khu vực bị ảnh hưởng có tới 14 ngàn ha nuôi trồng thủy sản với hơn 20 ngàn lồng bè. Với số lượng rất lớn này, cần hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Hoài đề nghị trong tối 27-10 phải xong kiểm đếm kêu gọi tàu tuyền, đặc biệt là tàu vận tải. Phải cương quyết cấm biển bởi rất lo sức mạnh của cơn bão. "Cương quyết không cho người dân quay lại lồng bè khi chính quyền chưa cho phép"- ông Hoài nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Miền Trung đang ở tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, không được mất cảnh giác, lên tinh thần chủ động phòng chống giảm tránh thiệt hại cho địa phương… Đối với cơn bão số 9, gió bão dông lốc mạnh kéo dài từ 27/10, đề nghị chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn tính mạng con người đặt lên trên hết, cương quyết đưa ngư dân lên bờ, sơ tán dân vùng trũng thấp; trường hợp nào không thực hiện cần phải xử lý nghiêm”.
Ngoài ra Thủ tướng nhấn mạnh: “Công tác cứu nạn cứu hộ cho 5 tỉnh miền Trung vẫn cần được tiếp tục triển khai, đừng để người dân trong cảnh màn trời chiếu đất, đói rét”.
Thủ tướng giao Bộ đội Biên phòng, công an phối hợp với chính quyền tại chỗ tập trung lực lượng cứu dân trong và sau bão; dùng những phương tiện hiện đại để sơ tán, cứu người dân bị kẹt; đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc dài ngày…
“Cần quán triệt tinh thần 4 tại chỗ chỉ đạo biện pháp ứng phó đồng bộ quyết liệt sát thực tiễn đặc biệt tại những địa phương Nam Trung bộ chưa có kinh nghiệm phòng chống bão mạnh. Mặt khác yêu cầu các bộ ngành địa phương không tổ chức những cuộc họp nếu chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9”, Thủ tướng nhấn mạnh.