Bảo tàng Áo dài - Tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt

Cách TP.Biên Hòa khoảng 20km, giữa không gian xanh mát của nhà vườn Long Thuận (P.Long Phước, TP.Thủ Ðức, TP.HCM), có một bảo tàng đặc biệt dành để tôn vinh biểu tượng văn hóa gắn với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam: Áo dài.

Không chỉ trưng bày, bảo quản và sưu tầm, lưu trữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Áo dài Việt Nam từ lúc hình thành gắn với chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc, bảo tàng còn trưng bày áo dài của nhiều phụ nữ Việt Nam nổi tiếng trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, xã hội, thương mại, nghệ thuật... Ðây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm trưng bày những tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật với cảm hứng từ áo dài.

* Kể câu chuyện về áo dài

Rời xa sự xô bồ, náo nhiệt của đô thị, Bảo tàng Áo dài nằm lặng lẽ giữa không gian miệt vườn sông nước Nam bộ. Bảo tàng Áo dài là một công trình kiến trúc nghệ thuật được ấp ủ trong suốt hơn 10 năm của họa sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng, với mong muốn tôn vinh giá trị truyền thống của tà áo dài Việt Nam. Khác với các bảo tàng thường thấy, Bảo tàng Áo dài hòa mình giữa màu xanh cây cối, sông nước, những công trình nhà cổ tĩnh mịch vừa phảng phất từ kiến trúc cung đình Huế đến phố cổ Hội An nằm xen giữa những khung cảnh, vật dụng đậm nét làng quê Việt. Bước chân trên lối nhỏ dẫn vào bảo tàng có thể lắng nghe những thanh âm trầm mặc của thời gian như tiếng cửa gỗ kêu cọt kẹt, tiếng xào xạc của rặng tre già... Ðiểm nhấn của bảo tàng này chính là hàng trăm chiếc áo dài cùng những hiện vật được trưng bày trong kiến trúc nhà rường xưa được sưu tầm từ vùng đất Quảng Nam, do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng phục hiện.

Cùng với những câu chuyện lịch sử của chiếc áo dài, được bố trí song song là khu vực trưng bày áo dài của những người nổi tiếng. Có thể kể đến như chiếc áo dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Bên cạnh đó còn có áo dài của nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Tuyết, áo dài của NSND Trà Giang, áo dài gấm truyền thống của Giáo sư Trần Văn Khê, áo dài của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh... Bên cạnh bộ sưu tập áo dài, bảo tàng còn trưng bày khoảng 3 ngàn hình ảnh phụ nữ Việt trong trang phục truyền thống.

Trong nhà trưng bày chính, áo dài được chia thành hai dãy gồm các kiểu áo dài được sắp xếp theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và một bên trưng bày áo dài của những phụ nữ nổi tiếng. Áo dài được trưng bày trong không gian sang trọng và hoài cổ, đèn được bật thường xuyên để đảm bảo độ bền cho sản phẩm. Dưới mỗi mẫu áo dài đều có thông tin giới thiệu về tên gọi, chất liệu, phong cách thiết kế và lịch sử ra đời. Nếu đi vào thời điểm vắng khách, bạn như lạc vào những câu chuyện của áo dài được kể bằng hình ảnh, màu sắc và cả ánh sáng, không gian tĩnh lặng đến mức có thể cảm nhận được tiếng bước chân.

Người xem như được tham gia chuyến du khảo cùng tà áo dài từ thuở sơ khai đến những tiếp biến, cách tân theo từng giai đoạn lịch sử. Ðầu tiên là chiếc áo dài tứ thân, ra đời từ thế kỷ XVII, khoảng năm 1645. Theo dữ liệu tại bảo tàng, áo tứ thân được may màu vải nâu, không có khuy cài, thả dài xuống hoặc được cột gọn khi làm việc đồng áng, buôn bán, bên trong mặc chiếc áo yếm có màu đậm dành cho phụ nữ đứng tuổi hay màu trắng, màu thắm đỏ hoa đào dành cho các cô gái trẻ. Ngoài yếm là chiếc áo cánh ngắn màu trắng, dải lụa màu xanh thắt giữa áo cánh với cạp váy đen. Ngày nay, áo dài thứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống hoặc biểu diễn nghệ thuật. Trong ánh sáng huyền ảo, áo dài tứ thân được bài trí cùng guốc mộc, nón quai thao và những dụng cụ sản xuất truyền thống của phụ nữ xưa. Tiếp đến là áo dài năm thân thế kỷ XVIII, áo dài vương triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX, áo dài Lemur...

* Bảo tồn, lan tỏa giá trị áo dài Việt Nam

Ngoài khu trưng bày chính, bảo tàng còn có các khu trưng bày chuyên đề gắn với những di sản văn hóa Việt như áo dài với nhã nhạc cung đình Huế, áo dài với Quan Họ, hát Then, rồi những chiếc áo dài hội nhập với thiết kế mới hay hình ảnh chiếc áo dài gắn với đời sống người dân như áo dài trong đám cưới, áo dài trong lễ hội, khu trưng bày nội y của phụ nữ Việt xưa...

Chiếc áo dài thời nhà Nguyễn được trưng bày tại bảo tàng

Chiếc áo dài thời nhà Nguyễn được trưng bày tại bảo tàng

Theo Bảo tàng Áo dài, bảo tàng không chỉ là nơi giữ gìn một trang phục truyền thống, bảo tồn áo dài mà điều quan trọng là phải đưa vào được trong đời sống thực tế của thời đại, trong sự vận động không ngừng. Qua đó hướng thế hệ trẻ đến việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với tà áo dài của dân tộc. Là người có tình yêu đặc biệt với áo dài, chị Trần Thanh Trà Mi, khách tham quan đến từ TP. Biên Hòa chia sẻ: “Tình yêu với áo dài của tôi bắt đầu từ rất lâu, khi tôi tròn 16 tuổi, bước vào ngưỡng cửa cấp ba. Tôi còn nhớ ngày đó nhà trường bắt đầu giai đoạn đổi trang phục từ áo dài sang đồng phục. Nhà trường chấp nhận việc vừa mặc áo dài vừa mặc đồng phục đến trường. Trong khi bạn bè tôi háo hức được mặc váy đến trường, không phải bó mình trong thứ trang phục mà các bạn cho là nóng nực thì tôi vẫn trung thành với áo dài. Bởi với tôi, người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất khi mặc áo dài. Dù già hay trẻ, cao hay thấp, thân hình mũm mĩm hay gầy gò, thì chỉ cần khoác lên mình bộ áo dài, bạn đều tỏa sáng”.

Các bạn trẻ chụp hình tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: N.Hạ

Các bạn trẻ chụp hình tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: N.Hạ

Cũng như Trà Mi, khá nhiều du khách tìm đến với bảo tàng để học tập, nghiên cứu về áo dài hay đơn giản chỉ để thoải mái ngắm nhìn, thể hiện tình yêu với áo dài. Vào những ngày này, hưởng ứng Tuần lễ áo dài, rất đông du khách mặc áo dài đến tham quan và ghi lại những khoảnh khắc tại bảo tàng đặc biệt này. Những tà áo dài từ cổ điển đến cách tân, hiện đại thấp thoáng trong khuôn viên, dịu dàng, đằm thắm bên những ngôi nhà cổ, thướt tha trên hồ sen như những nét vẽ đầy hoài niệm trong dòng chảy cuộc sống đô thị ồn ào, náo nhiệt.

Cuộc sống luôn vận động không ngừng, tà áo dài Việt Nam cũng trải qua những thăng trầm thời cuộc với những tiếp biến, đổi thay để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, song đến nay áo dài vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo và là niềm tự hào của biết bao thế hệ phụ nữ Việt. Ðặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo tồn và khẳng định, phát huy giá trị của áo dài Việt Nam càng trở nên ý nghĩa.

Nhật Hạ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202103/bao-tang-ao-dai-ton-vinh-net-dep-van-hoa-viet-3046318/