Bảo tàng Biên phòng- nơi lưu giữ lịch sử truyền thống của BĐBP
Bảo tàng Biên phòng được thành lập ngày 15/10/1968, là Bảo tàng hạng 2, cấp quốc gia, loại hình Bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), trực thuộc Cục Chính trị BĐBP. Bảo tàng Biên phòng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kho tư liệu phong phú, sống động
Hiện nay, Bảo tàng Biên phòng đang quản lý, lưu giữ hơn 3 nghìn tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật gốc, là một trong những bảo tàng giữ vị trí quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, những kỷ vật biên cương của BĐBP.
“Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Biên phòng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp, nhạy bén, yêu nghề; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội để phát huy những giá trị tiềm năng của Bảo tàng Biên phòng” - Đại tá Lại Đăng Hưng khẳng định.
Đại tá Lại Đăng Hưng, Giám đốc Bảo tàng Biên phòng cho biết: "Được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, tháng 9/2018, Bảo tàng Biên phòng đã triển khai công trình trưng bày tư liệu, hiện vật, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với không gian trưng bày được thiết kế hiện đại, logic theo tiến trình lịch sử, kết hợp giữa phương pháp trưng bày dân tộc và hiện đại, chất liệu phong phú, bền vững, đạt tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được yêu cầu hoạt động xã hội hóa bảo tàng trong xu thế hiện đại. Gần 2.000 tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng, trong đó có một số bộ sưu tập và hiện vật quý, phản ánh quá trình hình thành các tuyến biên giới đất liền, biển đảo, truyền thống đấu tranh bảo vệ biên giới của ông cha ta; những hoạt động, chiến công, thành tích của BĐBP - lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia".
Bằng giải pháp trưng bày nghệ thuật, sinh động, hấp dẫn, với nhiều tư liệu, hiện vật, Bảo tàng Biên phòng đã giúp người xem hiểu rõ được công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà BĐBP là lực lượng chuyên trách. Các tư liệu, hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Biên phòng đã làm nổi bật những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các mặt công tác như: quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới; công tác cửa khẩu; huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; tham gia củng cố hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội...
Những tư liệu, hiện vật giá trị trên được lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua tại Bảo tàng Biên phòng và đang được cán bộ, nhân viên tiếp tục sưu tầm, gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị trong các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân ở khắp miền biên cương Tổ quốc, đặc biệt là các thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên ở các trung tâm đào tạo, trường học, học viện trong và ngoài Quân đội suốt những năm qua.
Phát huy truyền thống 55 năm qua, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lễ tiết tác phong; thái độ phục vụ, tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật vào kho tàng lịch sử truyền thống của BĐBP, không ngừng đổi mới và làm phong phú thêm các hoạt động, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống để Bảo tàng Biên phòng thực sự là một điểm đến tin cậy, hấp dẫn, thu hút nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu. Nơi đây cũng là một trường học tốt về lịch sử, truyền thống đấu tranh bảo vệ biên giới của ông cha ta, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, di sản văn hóa quân sự BĐBP, từ đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
“Địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống
Bảo tàng Biên phòng vừa được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư xây dựng cơ sở mới với diện tích trưng bày hơn 2.000m2 tại số 2 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với những tư liệu, hiện vật quý được trưng bày theo tiến trình lịch sử, mang tính nghệ thuật, hiện đại, Bảo tàng Biên phòng đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của BĐBP.
Hiện nay, Bảo tàng Biên phòng đang tích cực phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chuyên đề về công tác biên phòng tại các cơ quan và địa phương; phối hợp với các đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội, xây dựng kế hoạch tham quan, tuyên truyền, giáo dục tại Bảo tàng Biên phòng. Đồng thời, có các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Biên phòng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về công tác biên phòng, qua đó, nâng cao nhận thức gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tốt “Ngày Biên phòng toàn dân”, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...
Từ ngày mở cửa hoạt động đến nay, Bảo tàng Biên phòng đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài Quân đội đến tham quan, nghiên cứu, học tập. “Khi đến tham quan và tìm hiểu tại Bảo tàng Biên phòng vào ngày 10/10 vừa qua, em cùng các bạn lớp 4A7 cảm thấy vô cùng hào hứng và háo hức. Bảo tàng Biên phòng là nơi lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh và câu chuyện về các chiến sĩ Biên phòng dũng cảm, những người bảo vệ biên giới đất nước. Chúng em rất muốn tìm hiểu về công việc và cuộc sống của những người hùng ấy" - Em Nguyễn Hoàng Bảo Anh, học sinh lớp 4A7, Trường Tiểu học Chu Văn An, Thụy Khê, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
"Bước vào bên trong bảo tàng, chúng em bị cuốn vào không khí trang nghiêm và hào hùng. Những người hướng dẫn viên thân thiện và am hiểu đã đưa chúng em đi khám phá từng gian trưng bày. Chúng em được ngắm nhìn những bức tranh và hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử, như những chiếc mũ, khẩu trang, súng và các công cụ khác mà những người lính Biên phòng đã sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Tham quan và học tập tại Bảo tàng Biên phòng đã giúp chúng em hiểu sâu hơn về vai trò quan trọng của các chiến sĩ Biên phòng và tình yêu quê hương. Chúng em cảm thấy tự hào vì được sống trong một đất nước an toàn, chúng em sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng những đóng góp và cống hiến của những người hùng ấy” - Em Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 4A7, Trường Tiểu học Chu Văn An, Thụy Khê, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của mình trên trang Facebook của Trường Tiểu học Chu Văn An.