'Bảo tàng' cá voi trên đảo

Cuối tháng 8, khi dịch Covid-19 đã tạm ổn, tôi cùng những người bạn thân từ Đà Lạt trở lại Phú Quý. Đã nhiều lần ra đảo, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết hết những thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử trên đảo. Ngày cuối tuần bước chân đến Phú Quý chúng tôi lên kế hoạch ngày đầu tiên dành thời gian đến xem bộ sưu tập xương cá voi tại vạn An Thạnh. Anh Nguyễn Long Hải – người bạn cùng đi với tôi hào hứng chia sẻ: 'Tuy số lượng bộ xương cá voi nơi đây không nhiều bằng vạn Thủy Tú (Phan Thiết), nhưng vạn An Thạnh có nét riêng trong cách trưng bày và được xem như 'bảo tàng' sinh vật biển trên đảo. Theo người giữ vạn giải thích, việc trưng bày bộ xương cá voi đầu to (còn gọi là cá nhà táng) ở giữa, 4 góc có 4 bộ xương cá heo bao gồm: Cá heo lươn sóng, cá heo mõm chai, cá ông chuông và loài cá heo thường gặp nhằm tái hiện lại hình ảnh ở dưới biển khi cá voi di chuyển thì xung quanh có cá heo đi theo. Hơn nữa vạn An Thạnh tọa lạc trên bãi cát trắng của thôn Triều Dương, xã Tam Thanh mặt hướng ra đại dương lộng gió, hiện trưng bày và lưu giữ hàng chục bộ xương cá voi, cá heo rùa da… trong đó bộ xương cá nhà táng dài 17m được phục dựng công phu đến từng chi tiết; đếm hết tất cả có 50 đốt xương. Phần đầu của bộ xương to quá khổ và dài ngoằng với hàm răng trắng tinh, nhọn hoắt. Hàng ngày người dân địa phương và du khách từ đất liền ra đảo đến vạn thắp hương cầu nguyện cho những chuyến biển bình yên, gặp nhiều điều may mắn. Vạn An Thạnh mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng của người dân trên đảo…'.

New Page 1

 Vạn An Thạnh nơi lưu giữ gần 100 bộ xương cá voi, cá heo

Vạn An Thạnh nơi lưu giữ gần 100 bộ xương cá voi, cá heo

Cá voi từ xa xưa đã được người dân đi biển xem như vị thần phù hộ trong những chuyến ra khơi đánh cá. Trong tâm trí người đi biển luôn nghĩ và đặt tất cả niềm tin vào cá voi. Bao câu chuyện cá voi cứu người, cứu thuyền bè khi sóng to gió lớn, khi gặp nạn trên biển khơi… cứ truyền miệng từ đời này qua đời khác; người dân vùng biển luôn coi cá voi như ân nhân cứu mạng và họ luôn đồng lòng, chung sức cứu cá voi khi bị mắc cạn hoặc chôn cất chu đáo khi cá voi bị lụy trên biển.

Lão ngư Nguyễn Xuân Dũng, thôn Triều Dương giải thích với du khách: “Ông Nam Hải là tên gọi cá voi một cách thành kính của người đi biển và cư dân vùng biển; khi cá voi chết người dân gọi “ông lụy”. Người đầu tiên phát hiện thi thể của ông sẽ là người chủ tang. Cách đây hơn 4 năm 1 con cá voi có chiều dài 18m lụy cách bờ biển Phú Quý 500m, con tàu đánh cá của Bình Định phát hiện, thuyền trưởng con tàu là người chủ tang. Lúc đó hàng trăm ngư dân đã có mặt khấn vái và xin đưa ông vào bờ để tiến hành theo nghi thức mai táng. Ban Quản lý vạn An Thạnh cùng chính quyền và người dân địa phương đã đưa xác cá voi đến nơi an táng với nghi thức diễn ra trang trọng và thành kính. Xác cá voi được chôn ở một đụn cát trong vịnh Triều Dương, người chủ tang mặc áo dài, bịt khăn tang màu đỏ. Theo phong tục và cũng là tín ngưỡng dân gian, sau 3 năm, khi cá voi đã phân hủy hết phần thịt, bộ xương được nhập làng và thờ trong vạn…”.

Vạn An Thạnh là nơi lưu giữ và thờ cúng xương cốt cá voi duy nhất ở Phú Quý, được xây dựng từ năm 1781. Hơn 60 năm sau đó (năm 1841) mới có cá ông to lớn trôi dạt vào bãi cát trước vạn. Những năm sau đó nhiều ông lụy khác cũng được đưa xương cốt về thờ cúng tại vạn, đến nay đã có gần 100 bộ xương cốt cá voi và nhiều xương cốt các loại cá lớn khác. Trải qua bao thế kỷ và nhiều lần trùng tu vạn An Thạnh vẫn sừng sững hướng mặt ra biển Đông. Năm 1996, vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Ngày nay huyện đảo Phú Quý tiếp tục tôn tạo và gìn giữ, đồng thời xây dựng vạn An Thạnh thành điểm tham quan, tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch.

Nhật Bảo

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/bao-tang-ca-voi-tren-dao-131150.html