Bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái đa dạng cho mai sau

ĐBP - Tỉnh ta có hệ sinh thái đa dạng, cùng với đó là sự phong phú về loài và nguồn gen, đặc biệt ghi nhận nhiều động, thực vật quý hiếm. Các hệ sinh thái tự nhiên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì diễn thế tự nhiên. Tuy nhiên do tác động của con người, thiên nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học đang suy thoái, nhiều loài đã và đang bị đe dọa, suy giảm quần thể.

Trước thực trạng đó, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, UBND tỉnh phát động Tháng Hành động vì môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cho các thành phần xã hội; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, góp phần phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái...

Người dân xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) tham gia trồng cây hoa ban tại tuyến đường trung tâm xã (ảnh chụp tháng 3/2021).

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh ta có 6 hệ sinh thái, bao gồm: Rừng; trảng cây bụi, tre nứa; trảng cỏ; hệ sinh thái nông nghiệp; thủy vực, ven sông suối; hệ sinh thái khu dân cư. Toàn tỉnh đã ghi nhận 41 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ - IUCN và Nghị định 32/2006 NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (sau đây gọi là Nghị định 32). Hệ sinh thái rừng ít bị tác động cũng đang lưu trữ nguồn gen 20 loài thú quý hiếm, trong đó 15 loài vừa có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, vừa có trong Nghị định 32. Trong đó có những loài quý hiếm nguy cấp như: Vượn má trắng, tê tê vàng, báo gấm, gấu ngựa, gấu chó, bò tót, sơn dương; và những loài rất nguy cấp như báo hoa mai, hổ... Ngoài ra còn có 14 loài bò sát, 12 loài chim được ghi trong Nghị định 32 và Sách đỏ Việt Nam. Đây đều là những loài vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và giá trị kinh tế, cần được bảo tồn nhằm giữ gìn cho các thế hệ mai sau. Qua đó có thể thấy hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc lưu giữ nguồn gen quý hiếm và tài nguyên sinh vật. Hơn nữa không thể phủ nhận, vai trò quan trọng của các hệ sinh thái trong cuộc sống con người, việc chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái cũng tác động tích cực đến đời sống rất nhiều người dân.

Bởi vậy, những năm gần đây, có nhiều dự án, chương trình, nhiệm vụ có nội dung liên quan đến các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức triển khai thực hiện. Như các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện; Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; Dự án Trồng cây phân tán tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020; Dự án Đầu tư nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020; Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; điều tra đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học... Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 4.300ha rừng. Và mục tiêu của tỉnh, từ 2021 - 2025 trồng 1.500ha rừng mỗi năm.

Cùng với việc trồng rừng, những năm gần đây trồng cây phân tán, tạo cảnh quan, môi trường sống, góp phần làm đa dạng sinh học được quan tâm đặc biệt. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì triển khai trồng gần 2.500 cây hoa ban trong kế hoạch trồng cây phân tán của năm. Năm 2021 này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ 10.000 cây ban cho Điện Biên; Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên tài trợ 2.000 cây ban giống (cao 1 - 1,5m, đường kính 0,5 - 1cm) trồng tập trung tại Đồi di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam. Tại các địa phương, nhiều hoạt động trồng cây, dọn vệ sinh bảo vệ môi trường cũng được chủ động thực hiện, tổ chức. Cuối tuần vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) phối hợp với các đoàn thể xã cùng nhân dân bản Háng Tầu trồng 214 xây hoa ban và cây đào trên tuyến đường vào bản. Đoàn viên thanh niên các xã tổ chức ngày Chủ nhật xanh dọn vệ sinh, thu gom rác thải, trồng cây, chăm sóc cây xanh...

Tháng Hành động Vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 được UBND tỉnh phát động diễn ra từ 22/5 - 30/6/2021 và duy trì cho đến hết năm 2021. Với nội dung: Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; đẩy nhanh tiến độ rà soát quỹ đất trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn); tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; tăng cường công tác kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải... Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên việc bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái không chỉ là việc của các cơ quan chức năng mà là việc của chính chúng ta. Mỗi người chung tay góp sức từ những việc nhỏ nhất, như giảm thiểu, tái sử dụng 1 chiếc túi nilon, trồng thêm 1 cây xanh, không tiếp tay săn bắt, sử dụng động vật hoang dã, quý hiếm... thế giới sẽ xanh hơn, hệ sinh thái được bảo vệ và gìn giữ cho mai sau.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187529/bao-ton-giu-gin-he-sinh-thai-da-dang-cho-mai-sau