Bảo tồn nghề dệt trang phục truyền thống người Pà Thẻn ở Quang Bình
Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mỗi bộ trang phục đều mang dấu ấn lịch sử, thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng, tạo nên bản sắc văn hóa tộc người. Để giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc này.
Cuộc sống của người Pà Thẻn ở Quang Bình gắn liền với thiên nhiên, thể hiện những nét rất riêng độc đáo trong phong tục tập quán, thể hiện sự gắn bó trong cộng đồng dân cư, trong đó có trang phục truyền thống. Các công đoạn dệt, thêu văn hóa, ghép vải của người Pà Thẻn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Trước kia, nguyên liệu dệt vải được kéo từ sợi cây bông, cây đay, còn hiện nay chủ yếu dùng len, chỉ màu. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảng thổ cẩm hình vuông, hay trải dài khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn, váy. Trong đó, các mảng văn hóa chủ đạo cũng được làm nổi bật, màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục của phụ nữ.
Đặc biệt, dân tộc Pà Thẻn có một bộ sưu tập mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Đó là những hình hoa văn hình học phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, khuỷu tay áo và thân áo. Đối với văn hoa hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu, phức tạp hơn để làm điểm nhấn trên ngực áo, eo lưng và hai bên hông váy. Ngoài ra, văn hoa cây thông, cây cỏ và một số thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo, tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục. Bằng sự tỉ mỉ dày công, những người phụ nữ Pà Thẻn đã tạo ra bộ váy áo phụ nữ với sắc đỏ rực rỡ, màu chàm của nam giới, còn trẻ em được chú ý tới mũ đội đầu nhiều màu sắc, mũ của bé gái có chùm lông len đỏ cháy lên. Đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn tay là những phụ kiện không thể thiếu đi kèm váy áo. Trong các lễ hội truyền thống, ngày Tết, lễ cưới, người Pà Thẻn luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Tuy nhiên, theo thời gian, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, những nét văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn, đặc biệt là trang phục truyền thống có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Trước thực trạng đó, chị Tải Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bắc, huyện Quang Bình đã có cách làm sáng tạo, đó là mở lớp dạy thêu, dệt miễn phí cho chị em trong xã.
Chị Tải Thị Mai chia sẻ: "Xuất phát từ thực tế, mỗi lần ở xã, huyện có những ngày lễ, hội hay đi diễn văn nghệ, chị em phụ nữ đều phải đi mượn trang phục của dân tộc mình, có khi mượn khắp cả thôn cũng không một bộ trang phục vừa ý. Mình nghĩ, tại sao mình không thể làm được trang phục của mình? Mình nói với mẹ mong muốn của mình để bà dạy cho cách thêu và dệt trang phục dân tộc. Từ đó, mình bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các cụ già trong thôn, nhưng học với các cụ chỉ là để biết về kỹ thuật thôi, chưa thể làm được ngay vì người già hướng dẫn chưa được thông suốt. Sau đó, mình nghĩ, tập trung các chị em lại để có thể học hỏi lẫn nhau, người biết cái này, người biết cái kia, chỉ bảo cho nhau cũng dễ. Từ một nhóm tập hợp ban đầu, sau này, mình mở rộng thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm".
Để làm ra một bộ trang phục của thiếu nữ Pà Thẻn vừa dệt, vừa khâu cũng phải mất hơn 2 tháng. Chị Hoàng Thị Liên, thôn Mỹ Bắc, xã Tân Bắc cho biết, mới đầu, tôi cũng không biết dệt đâu, trong quá trình học được các chị lớn tuổi hơn truyền dạy lại. Trước tiên là biết dệt bộ trang phục dân tộc của phụ nữ mình, dệt cho mình mặc trước, sau khi biết dệt rồi sẽ dệt cho con cái, người thân trong gia đình. Người Pà Thẻn làm trang phục truyền thống bằng tâm hồn, cảm xúc của mình, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Pà Thẻn làm tăng giá trị văn hóa lịch sử lên gấp nhiều lần. Trang phục không đơn thuần là công năng đảm đương che thân, giữ ấm, mà còn có tác dụng khích lệ, động viên đến đời sống tinh thần, quá trình lao động của người dân trong vùng, tạo cảm hứng sáng tạo của người Pà Thẻn. Thông qua nghệ thuật trang trí, người Pà Thẻn gửi gắm vào đó những nét đặc sắc của văn hóa, khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Hoàng Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc cho biết, để gìn giữ, phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Pà Thẻn trên địa bàn, chúng tôi đã tổ chức các hội thi, giao lưu về trình diễn trang phục truyền thống dân tộc giữa các thế hệ. Đặc biệt là tuyên truyền cho các cháu học sinh, phối hợp với các trường duy trì cho các cháu học sinh mặc trang phục dân tộc một buổi một ngày trong tuần. Tổ chức Hội thi tìm hiểu về cách thức, dệt trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở địa bàn, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Chia sẻ về công tác bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, bà Lương Thị Kiệm, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quang Bình cho biết: Phòng Văn hóa tham mưu đã cho UBND huyện thành lập mới các tổ, nhóm dệt thổ cẩm, động viên các Hợp tác xã dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn đang hoạt động có hiệu quả thu hút nhiều thành viên tham gia hơn. Từ vải dệt sẽ tạo ra trang phục truyền thống của người Pà Thẻn đa dạng như: Túi đeo, vỏ chăn, gối, mặt địu, sổ lưu niệm, tranh... để phục vụ cho du khách khi đến tham quan. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn cho bà con.
Có thể nói, trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là nét đẹp văn hóa, là đứa con tinh thần của cộng đồng Pà Thẻn ở huyện Quang Bình. Trang phục trở thành một trong những sắc thái để nhận biết đặc trưng văn hóa, tộc người, là dấu hiệu để phân biệt dân tộc Pà Thẻn với cộng đồng dân tộc khác. Trang phục truyền thống Pà Thẻn cũng là cầu nối, là phương tiện chuyển giao, trao truyền giữa các thế hệ, lưu giữ chân thực những khía cạnh của cuộc sống từ đời này sang đời khác. Với dự tinh tế, nhẹ nhàng, không kém phần độc đáo, trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn góp phần điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc có màu sắc thêm phong phú, góp phần quan trọng để bảo tồn những giá trị văn hóa của huyện Quang Bình.