Bảo tồn và khai thác hiệu quả các điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái ở miền núi A Lưới

Những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, vừa khai thác hiệu quả các điểm du lịch cộng đồng, qua đó thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Là vùng đất căn cứ địa cách mạng, hiện A Lưới có hệ thống 72 điểm di tích lịch sử.Ngoài đường Hồ Chí Minh được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, địa bàn huyện A Lưới còn có nhiều di tích khác được xếp hạng di tích Quốc gia và di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

Lễ hội tổ chức tại Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới thu hút đông đảo người dân, du khách.

Lễ hội tổ chức tại Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới thu hút đông đảo người dân, du khách.

Điển hình như vào đầu tháng 12/2021, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới và chính quyền địa phương đón nhận tin vui khi địa điểm chiến thắng đồi A Bia (thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) Quốc gia.

Trong gần 3 năm qua, ngoài nỗ lực bảo tồn di tích này, huyện A Lưới đã nỗ lực giới thiệu, quảng bá về giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích lịch sử địa điểm chiến thắng đồi A Bia đến với các tầng lớp nhân dân và du khách. Nhờ thế nên đã có rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước, các cựu chiến binh vượt quãng đường xa và gần 900 bậc cấp để lên đến tham quan đỉnh đồi A Bia.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một cựu chiến binh quê ở tỉnh Nghệ An cùng với đồng đội khi trở lại chiến trường xưa ở huyện A Lưới và đến tham quan nhà trưng bày di tích lịch sử cách mạng tại đồi A Bia xúc động cho biết, cách đây hơn 55 năm, tại đồi A Bia đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và quân dân A Lưới với lính dù Mỹ. “Sau trận đánh này, đồi A Bia còn có tên gọi khác là “đồi thịt băm”. A Bia là biểu tượng của sự đoàn kết, tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc nên địa điểm chiến thắng đồi A Bia được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từ đó giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với các thế hệ trẻ hôm nay”, ông Hùng chia sẻ và kỳ vọng.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới cho biết, ngoài di tích đồi A Bia, địa bàn huyện A Lưới còn có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như sân bay A Co, A Lưới, A So gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là người đồng bào dân tộc Pa Cô ở địa phương như anh hùng Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ Thị Đơm qua mỗi trận đánh. Bên cạnh đó, tại Trung tâm văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật, kỷ vật chiến tranh, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu thông tin lịch sử.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới còn cho biết, cùng với hệ thống di tích lịch sử cách mạng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, toàn huyện còn có 24 điểm du lịch và 33 cơ sở lưu trú, 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng và nhiều điểm du lịch sinh thái như Pâr Le, A Nôr, A Lin. Thời gian qua, UBND huyện đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Huyện ủy A Lưới thành những chương trình, kế hoạch, đề án để phát triển du lịch, tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Đặc biệt vào đầu tháng 9 vừa qua, UBND huyện đã chính thức đưa vào hoạt động Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (đóng tại xã Hồng Thượng) để phục vụ các hoạt động lễ hội văn hóa tại địa phương và đón du khách tham quan. Làng văn hóa xây dựng trên diện tích 5 héc ta gồm các nhà sinh hoạt cộng đồng của người Pa Cô, Tà Ôi và Cơ Tu và nhiều hạng mục, công trình với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, tái hiện nét đẹp, cảnh sinh hoạt trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở A Lưới để du khách đến tham quan, trải nghiệm.

“Ngoài khuyến khích người dân địa phương sản xuất nông sản sạch và các sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt dèng thổ cẩm, đan lát mây tre để phục vụ du khách, hiện địa phương đang nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, khai thác có hiệu quả các điểm di tích lịch sử, du lịch sinh thái, cộng đồng và Làng văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh để thu hút du khách đến với A Lưới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Tại buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện vào ngày 27/9 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình yêu cầu chính quyền huyện A Lưới và các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt hơn nữa việc khai thác dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc của người dân địa phương.

Trong đó cần lưu ý khai thác các tài nguyên du lịch sáng tạo, linh hoạt và bền vững, tạo không gian mở để du khách trải nghiệm. Từ đó hướng đến phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương.

Bên cạnh đó, yêu cầu các cấp chính quyền và các đơn vị cần đảm bảo tốt an ninh an toàn trong hoạt động du lịch, phối hợp cùng các bên liên quan đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở miền núi A Lưới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/bao-ton-va-khai-thac-hieu-qua-cac-diem-di-tich-lich-su-du-lich-sinh-thai-o-mien-nui-a-luoi-i746216/