Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 11-2005. Từ đó đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.

Tuy nhiên, không gian văn hóa cồng chiêng vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một bởi không ít lý do. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng...

Không để cồng chiêng “chảy máu”

Gia làng A Blếch cùng với bà con làng Kon Ktủh, xã Đăk Ruồng (Kon Rẫy, Kon Tum) giữ bộ cồng chiêng cổ của làng trong gần 40 năm qua. Có thời điểm, bộ cồng chiêng bị bán với giá 10 cây vàng. Thế là già làng A Blếch phải huy động già trẻ, gái trai trong làng đi làm thuê, làm mướn lấy tiền chuộc lại. Từ bao đời nay, bà con làng Kon Ktủh xem bộ cồng chiêng là báu vật của làng.

Ông Nay Phai, trú tại thị trấn Phú Túc (Krông Pa, Gia Lai) là nghệ nhân chỉnh chiêng và dạy đánh chiêng nổi tiếng ở Tây Nguyên. Ông theo nghề từ nhỏ, rong ruổi khắp các buông làng Tây Nguyên với một niềm đam mê mãnh liệt. Nhưng cũng tại đây, ông chứng kiến nhiều cảnh đau lòng, đó là hiện tượng cồng chiêng "chảy máu”. “Trước đây, người ta bán những chiếc cồng, chiếc chiêng như bán phế liệu và ít người quan tâm, để ý đến. Bọn trẻ thì gần như không ai còn biết đánh chiêng. Thấy vậy, tôi về nhà bán bò mang tiền theo, thấy ai bán chiêng là mua ngay. Tôi đã bán 30 con bò để mua chiêng. Giờ tôi có 10 bộ cồng chiêng cổ rất quý”, nghệ nhân Nay Phai tâm sự.

Đội cồng chiêng làng Rẽ (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) biểu diễn mừng năm mới.

Ở Tây Nguyên không chỉ có già làng A Blếch hay nghệ nhân Nay Phai mà có hàng nghìn người sẵn sàng làm tất cả để giữ lại cồng chiêng cho buôn làng. Họ còn truyền cảm hứng cho dân làng và truyền dạy nghề chỉnh chiêng, đánh chiêng cho giới trẻ. Nhờ vậy, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mới được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên. Hiện nay, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đang lưu giữ khoảng 10.000 bộ cồng chiêng; trong đó, Gia Lai là địa phương có nhiều bộ cồng chiêng nhất với gần 6.000 bộ, tiếp đến là tỉnh Đắc Lắc hơn 2.300 bộ, tỉnh Kon Tum cũng có gần 2.000 bộ. Các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa bản địa cũng được phục dựng, bảo tồn, như: Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui và Sử thi của người Ba Na ở các huyện Đắk Đoa, Đắk Pơ, Kbang, Kông Chro (Gia Lai) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhưng khi khảo sát thực tế, chúng tôi thấy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Đó là sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện tự nhiên, xã hội ở Tây Nguyên làm mất dần không gian và sự linh thiêng của cồng chiêng. Nhiều lễ hội bị quên lãng hoặc bị thương mại hóa, giới trẻ tiếp xúc và chạy theo nhiều luồng văn hóa, nên rất ít người đam mê với âm nhạc cồng chiêng…

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng phải bắt đầu từ buôn làng

Cồng chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên. Vì vậy, trong những năm qua, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, giải pháp để bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng. HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành nghị quyết “về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắc Lắc, giai đoạn 2016-2020”, đặt mục tiêu phấn đấu có hơn 70% buôn đồng bào DTTS có cồng chiêng. 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức được các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng; cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 75 đội chiêng… Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các cấp chính quyền, cộng đồng và chủ nhân di sản văn hóa trong gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên theo cam kết của nước ta với UNESCO. Từng bước khôi phục các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS ở Lâm Đồng, góp phần phát triển văn hóa-du lịch thời kỳ hội nhập.

Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai: Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương tiến hành các giải pháp bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Năm 2009, Gia Lai tổ chức thành công Festival cồng chiêng quốc tế và tháng 11 tới đây là Festival cồng chiêng Tây Nguyên với sự tham gia của 5 tỉnh trong vùng. Đặc biệt, 100% trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa về chỉnh chiêng và đánh cồng chiêng.

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào DTTS Tây Nguyên từ khi sinh ra cho đến lúc về với tiên tổ. Theo nghệ nhân Nay Phai, muốn bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải bắt đầu từ làng và cộng đồng các DTTS, những chủ nhân sáng tạo ra âm nhạc cồng chiêng. Vì ngoài yếu tố văn hóa, cồng chiêng còn có yếu tố tâm linh. Đánh cồng chiêng không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần mà nó gắn bó chặt chẽ với những nghi lễ, tín ngưỡng của người DTTS Tây Nguyên trong gia đình và buôn làng của họ. Già làng A BLong, ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cũng khẳng định: “Cồng chiêng phải được sống trong không gian của nó, đó là một quần thể gắn kết chặt chẽ với nhau bao gồm cả làng, nhà rông, các lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng… đánh cồng chiêng ở không gian làng khác hẳn so với người đánh cồng chiêng trên sân khấu. Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phải bảo tồn cả những giá trị văn hóa lâu đời của các cộng đồng DTTS Tây Nguyên”.

NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-548552