Bảo tồn và phát huy giá trị cây trắc bằng việc xây dựng mô hình vườn hộ

Thời gian qua, một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Huế đã ghi nhận sự tồn tại quần thể nhỏ cây trắc trên địa bàn xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Đây có thể xem là một phát hiện mới về sự phân bố của loài cây trắc trên vùng đất bán sơn địa ở vùng Cùa mà chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào ghi nhận về sự phân bố trước đây. Một số người dân đã mang cây trắc từ rừng về trồng tại nhà và bước đầu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo tồn, nhân giống cây trắc tại địa phương.

Ông Trần Ngọc Bình, ở thôn Đâu Kinh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ hiện trồng khoảng 100 cây trắc lớn nhỏ trong vườn nhà -Ảnh: T.T

Ông Trần Ngọc Bình, ở thôn Đâu Kinh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ hiện trồng khoảng 100 cây trắc lớn nhỏ trong vườn nhà -Ảnh: T.T

Những năm qua, gia đình ông Trần Ngọc Bình, ở thôn Đâu Kinh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ thường có nhiều khách đến thăm vườn cây trắc, trong đó có các nhà khoa học, cán bộ ngành kiểm lâm đến tìm hiểu, theo dõi quá trình sinh trưởng của những cây trắc được trồng trong vườn.

Ông Bình kể, cách đây hơn mười lăm năm, trong một lần đi rừng, ông được một cán bộ kiểm lâm chỉ cho biết cây trắc con và sau đó ông đã lấy một số cây nhỏ mang về trồng trong vườn để tạo bóng mát.

“Khi phát hiện đám rừng có cây con mọc lên nhiều, tôi mang về trồng trong vườn, mãi sau này mới biết trắc là một loài cây cho gỗ quý hiếm. Cách đây hai năm, theo sự kết nối của người quen, tôi bán được 5 cây trắc to, tuổi đời 15 năm và một số cây nhỏ, được gần 400 triệu đồng, ai cũng ngạc nhiên vì giá trị kinh tế của loài cây này mang lại”, ông Bình chia sẻ.

Cây trắc có đặc điểm sinh sản cả vô tính và hữu tính, do đó việc nhân giống khá dễ dàng. Đến nay, tại vườn gia đình ông Bình có gần 100 cây trắc, trong đó cây to nhất được 4 năm tuổi. Từ khi khai thác những cây trắc trồng lâu năm bán với giá trị lớn, ông Bình tuyên truyền cho người dân xung quanh cùng trồng cây trắc trong vườn nhà. Tuy nhiên, chỉ có một số ít người quan tâm mô hình này.

Cây trắc có tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis thuộc danh mục nhóm IIA theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP là nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Giá trị kinh tế của gỗ trắc hiện nay rất cao, là loài cây cho gỗ quý đang trở nên hiếm dần. Đây cũng là một trong những loài thực vật quý hiếm của quốc gia nói riêng và của thế giới nói chung, có ý nghĩa trong bảo tồn nguồn gen, đóng góp vào sự đa dạng sinh học.

Vì vậy, việc bảo tồn cây trắc và một số loài cây khác thuộc chi Dalbergia tại Việt Nam đang là một việc làm cần thiết. Biện pháp bảo tồn có thể gây trồng mới hoặc khoanh nuôi bảo vệ các quần thể cây trắc tái sinh trong tự nhiên. Mặt khác, cần nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng các công nghệ nhân giống hiện đại, khuyến khích người dân tham gia hoạt động nhân giống, gây trồng và bảo tồn cây trắc, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Đây là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết đối với nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Huế cho thấy, cây trắc phân bố tự nhiên tại xã Cam Chính là rải rác theo đám, chủ yếu mọc trên diện tích đất cát đỏ vàng và đất cát nâu vàng. Đây đều là những khu vực có nguồn dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của loài.

Nhìn chung về số lượng cây trắc tại khu vực nghiên cứu còn rất ít và thường mọc theo đám trong các diện tích rừng phục hồi sau khai thác kiệt và kiểu rừng phục hồi xen keo. Các quần thể có cây trắc phân bố bị ảnh hưởng bởi tình trạng khai thác quá mức của người dân địa phương để lấy gỗ và lấn chiếm đất rừng canh tác nương rẫy hay trồng cây keo, cây cao su.

Đối với diện tích cây trắc được trồng tại vườn hộ như gia đình ông Bình và một số hộ dân khác, người dân mong muốn được nhà nước giao các khu rừng tự nhiên có cây trắc phân bố để người dân quản lý, bảo vệ các cây mẹ nhằm giữ nguồn giống để gieo ươm và phục hồi các quần thể rừng trắc tại địa bàn.

Hiện nay, ngành kiểm lâm đang tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền địa phương, người dân xã Cam Chính và các vùng lân cận về tình trạng nguy cấp, quý hiếm của loài cây trắc. Thực hiện kiểm tra, giám sát bảo vệ và xử phạt răn đe đối với những hành vi khai thác loài cây trắc có trên địa bàn. Lập hồ sơ cam kết bảo vệ loài và nguồn giống cây trắc địa phương.

Do người dân ít biết về sự tồn tại của cây trắc phân bố ở các khu vực rừng tự nhiên nên việc các khu vực rừng phục hồi tự nhiên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trồng keo, cao su đã làm mất những cây mẹ, dẫn đến tình trạng số lượng cá thể cây trắc ngày càng ít.

Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân địa phương tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển loài như xây dựng mô hình vườn hộ cây trắc, nâng cao thu nhập từ diện tích vườn hộ gia đình.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cay-trac-bang-viec-xay-dung-mo-hinh-vuon-ho/180767.htm