Bảo tồn và phát triển cây quế ngọc còn nhiều khó khăn

Những năm qua, huyện Thường Xuân đã thực hiện đề án 'Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025'. Tuy nhiên, để phát triển cũng như bảo tồn giống cây quý, đặc trưng này địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phát triển diện tích, chế biến, tiêu thụ.

Anh Lê Thế Khương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) chăm sóc rừng quế của gia đình.

Anh Lê Thế Khương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) chăm sóc rừng quế của gia đình.

Cây quế ngọc Thường Xuân là đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao, nhất là giá trị về dược liệu phòng và chữa bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe. Quế và các bộ phận khác của cây quế đều có thể chưng cất được tinh dầu, thân cây thớ gỗ mịn, đẹp, có tinh dầu thơm dùng để làm nhà hoặc đóng đồ mộc gia dụng, hàng xuất khẩu.

Dưới thời nhà Nguyễn, quế huyện miền núi Thường Xuân còn dùng để cung tiến vua gọi là quế Ngừ. Năm Minh Mệnh thứ 17, quế Thường Xuân được khắc hình tượng vào Nghị Đỉnh tại Đại nội Cung đình Huế.

Để thực hiện bảo tồn và phát triển nguồn gen quế bản địa quý của huyện Thường Xuân, huyện đã xác định vùng trồng quế tập trung quy mô lớn tại các xã thuộc khu vực “5 Xuân” (Vạn Xuân, Xuân Thắng, Xuân Lộc, Xuân Lẹ và Xuân Chinh). Đồng thời tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng mới, chăm sóc, chế biến, chiết xuất tinh dầu quế ngọc cho trên 2.500 lượt người. Thành lập hiệp hội sản xuất và kinh doanh quế ngọc Thường Xuân; xây dựng hệ thống các phương tiện phục vụ quản lý chỉ dẫn địa lý; triển khai thí điểm hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; xây dựng được 3 cửa hàng và 2 cơ sở chiết xuất, chế biến, mua bán các sản phẩm quế ngọc Thường Xuân. Sản phẩm tinh dầu quế và quế thanh của huyện Thường Xuân đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay trên địa bàn có một công ty, một HTX và 4 hộ gia đình đang thực hiện chưng cất, chiết xuất tinh dầu quế.

Ông Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Thường Xuân) cho biết, hiện Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng được vườn ươm giống 5.000m2 với 2.000m2 giàn che cố định và hệ thống tưới bán tự động, cung cấp khoảng 200.000 - 300.000 cây giống/năm, đến nay đã cung cấp cho bà con 1 triệu cây giống chất lượng. Hỗ trợ trồng 90ha rừng quế trong đó 10ha xen cây nông nghiệp, 20ha xen cây lâm nghiệp (cây keo tai tượng) và 60ha dưới tán rừng. Xây dựng mô hình chưng cất tinh dầu với 6 thiết bị được lắp đặt phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ, nguyên liệu không tập trung, bước đầu tiêu thụ được số lượng cành lá quế trong quá trình khai thác và chăm sóc tỉa thưa.

Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân thì hiện tại việc phát triển, bảo tồn cây quế ngọc đứng trước nhiều khó khăn như: diện tích quế trồng tập trung còn ít, phát triển chưa đúng theo định hướng và quy hoạch. Cây quế có chu kỳ chăm sóc dài nên người dân thường chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và ngắn ngày hơn, dễ tính hơn như cây keo để phát triển. Đời sống các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến phát triển cây quế, chưa coi cây quế là cây làm giàu. Các sản phẩm chế biến từ cây quế được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường còn ít; đầu tư ban đầu đối với việc trồng cây quế là rất lớn (bình quân tính toán khoảng trên 75 triệu đồng/ha) gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích. Chưa có doanh nghiệp mạnh để liên kết phát triển bền vững cây quế. Bên cạnh đó, dù huyện cũng đã đề xuất tỉnh quan tâm hơn nhưng không có cơ chế hỗ trợ riêng cho cây quế mà chỉ lồng ghép phát triển cây quế vào thực hiện các chương trình như chương trình trồng rừng thay thế, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững nên so với một số loại cây lâm nghiệp khác, cây quế đang khó khăn hơn trong cạnh tranh để phát triển diện tích.

Anh Lê Thế Khương, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) tâm tư: “Tôi trồng gần 4ha cây quế xen cây keo với mục đích có thêm thu nhập phụ từ cây keo để chờ quế lớn. Trồng cây quế rất khó khăn vì cây quế lớn chậm lắm, mất công chăm sóc thường xuyên, phải có kinh tế tốt mới mạnh dạn trồng nhiều được. Bên cạnh đó, công thu hoạch lớn, giá thành đầu ra còn thấp”.

Phó chủ tịch UBND xã Vạn Xuân Vi Mạnh Hùng cho biết: “Quá trình chăm sóc, sinh trưởng và thời gian thu hoạch từ 10 đến 15 năm của cây quế là dài hơn so với các loại cây lâm nghiệp khác. Nguồn cung ứng cây giống quế bản địa hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu cây giống cho người dân; đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa có cơ sở tin cậy thu mua các sản phẩm từ quế của người dân, sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái. Chi phí về cây giống, phân bón và nhân công cao. Các chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân trồng quế hiện nay chủ yếu hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ chính sách, trong khi các chính sách kích cầu hỗ trợ hộ người dân khác có nhu cầu trồng quế thì còn hạn chế”.

Để bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc, huyện Thường Xuân đặt mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, diện tích có thể trồng cây quế ngọc tập trung đạt khoảng 3.000ha, có 5,5 triệu cây quế phân tán. Sản xuất được trên 10 triệu cây quế giống phục vụ trồng rừng và trồng quế phân tán. Tổ chức được ít nhất 10 - 15 lớp với khoảng 700 - 1.000 người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, bảo quản quế. Thu hút được ít nhất một doanh nghiệp lớn để liên kết phát triển vùng nguyên liệu bền vững và xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ quế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát triển được nguồn gen quế bản địa quý của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Thường Xuân nói riêng, tạo được vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng được nhu cầu chế biến tiêu dùng của thị trường; tạo việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân và giảm nghèo bền vững”.

Bài và ảnh: Anh Tuân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-va-phat-trien-cay-que-ngoc-con-nhieu-kho-khan-33474.htm