Bảo tồn văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 định hướng phát triển tiềm năng và thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Nghề dệt thổ cẩm được xác định không chỉ là một sản phẩm văn hóa mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đồng bào DTTS. Do đó, cần có sự bảo tồn, phát huy, thay đổi để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều hơn với thị hiếu của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ để thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương.
Trong những qua, tại các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, thường xuyên thành lập các tổ công tác xuống từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất; duy trì hoạt động của các mô hình tổ, nhóm dệt thổ cẩm.
Không chỉ là nét đẹp văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Hiện, toàn tỉnh có 6 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm với gần 600 lao động, thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, thăm quan nhằm nâng cao tay nghề cho phụ nữ. Khi triển khai đào tạo nghề dệt thổ cẩm, lo ngại lớn nhất là sản phẩm không có đầu ra khiến các học viên bỏ nghề. Sản phẩm thổ cẩm đa dạng, đủ mẫu mã để bán cho du khách như: túi xách, túi đựng điện thoại, mũ… giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, sản phẩm thủ công 100% cùng kỹ thuật lành nghề nên những tấm vải dệt của bà con đang thấp về giá thành.
Để giải quyết vấn đề, nhiều địa phương thúc đẩy hình thức du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó, trải nghiệm dệt thổ cẩm được nhiều du khách chú ý; đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch, nhà phân phối để tạo điều kiện cho bà con làng nghề tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, định hướng, phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị, từ đó người dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản phẩm, giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.
Sau khi Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) đưa nghề dệt của người M'Nông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Đắk Nông thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống này. Hiện trên địa bàn có 895 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm, trong đó: nghệ nhân người dân tộc M'Nông có 647 người, dân tộc Mạ 66 người, Ê Đê 80 người, Dao 25 người, Thái 20 người… Sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại (vòng tay, vòng cổ, giỏ xách, chăn, áo, váy, khố), tất cả đều có bản sắc riêng.
UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT-DL tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm; tổ chức các hội thi tay nghề giỏi dệt thổ cẩm từ cấp thôn, buôn đến cấp tỉnh. Ngoài ra còn có hình thức vinh danh các nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề giỏi, nhằm khuyến khích, động viên người dân đóng góp vào công tác bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghề dệt tổ cẩm của người Cơ Tu được hình thành khá lâu đời, đến nay vẫn đang được bảo lưu và duy trì. Đồng bào nơi đây tiếp thu nghề dệt từ người Cơ Tu bên đất nước Lào, kết hợp học hỏi kỹ năng dệt của dân tộc cận cư đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm phản ánh văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo các nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu đòi hỏi sự kiên trì, cần đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của người phụ nữ từ việc nhuộm sợi, chiết suất màu, cách dàn cườm đến tạo ra sản phẩm thổ cẩm từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi khi nhắc đến nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, không thể không nhắc đến kỹ thuật dệt hoa văn hạt cườm, hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng và kỹ thuật khâu đáp độc đáo. Họ dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Việc sử dụng hạt cườm, chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác đặc biệt, rất tỉ mỉ và công phu, làm nên giá trị đặc biệt của thổ cẩm, trang phục Cơ Tu. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở làng Công Dồn (ở xã Zuôich, huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2014. Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, từ cuối năm 2022, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng tổ chức tập huấn thực hành di sản phi vật thể “Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu”. Đây là một hoạt động trong dự án mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng. Dự án là hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án này sử dụng các di sản văn hóa phi vật thể có tính chất tương đồng của DTTS để tạo thành những điểm đến trong hành trình du lịch di sản ở quy mô vùng, miền hoặc liên tỉnh, liên vùng. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang và huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) được lựa chọn là nơi thực hiện dự án, gắn với hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là cơ hội để những người đang thực hành nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa DTTS gắn với phát triển du lịch.
Đầu năm nay, thành phố Đà Nẵng đã ban hành đề án xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn giai đoạn 2022-2030. Trong đó, có nội dung sẽ đầu tư mua sắm trang phục cho người dân, học sinh, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Điều này sẽ góp phần tăng đầu ra sản phẩm, kích thích sự phát triển nghề dệt thổ cẩm của bà con Cơ Tu.