Bão Trà Mi cách Đà Nẵng 290km, sắp có mưa lớn từ Hà Tĩnh đến Bình Định
Theo bản tin dự báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào tối nay (26.10), bão số 6 (bão Trà Mi) đang cách Đà Nẵng khoảng 290km. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định khả năng có mưa rất to từ ngày 26-28.10.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão số 6 (bão Trà Mi) ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 110,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 290km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 20km/giờ.
Vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m; biển động dữ dội.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-6m; biển động rất mạnh.
Sáng 27.10, trên đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11.
Cảnh báo mưa lớn từ Hà Tĩnh đến Bình Định
Trong 24 giờ qua, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và phía bắc Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 20 giờ ngày 26.10 có nơi trên 60mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) 69,2mm; Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 81,4mm; Sơn Long (Quảng Ngãi) 73,2mm; Ngọc Linh (Kom Tum) 77,2mm…
Dự báo từ đêm 26.10 đến ngày 28.10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa từ 200-420mm, có nơi trên 600mm; phía bắc Tây Nguyên có mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3 giờ). Khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 80-160mm, có nơi trên 200mm.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.