Tờ QQ của Trung Quốc mới đây đã có bài đăng về tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ, qua đó khẳng định, đây là tàu sân bay có thời gian đóng mới và thời gian chờ hạ thủy lâu nhất trong lịch sử.
Cụ thể, ấn phẩm cho biết nếu tính từ lúc sửa đổi thiết kế từ tàu phòng không thành tàu sân bay cho tới nay, hàng không mẫu hạm INS Vikrant của Ấn Độ đã trải qua 15 năm thai nghén.
Ban đầu, con tàu này được cho là niềm tự hào của Ấn Độ, giúp lực lượng hải quân nước này "ngồi chung mâm" với các cường quốc quân sự khác trên thế giới.
Tuy nhiên sự thật lại ngược lại, INS Vikrant chỉ đơn giản là một nỗi hổ thẹn, một "chương trình ngõ cụt". Với tàu sân bay INS Vikrant, Ấn Độ đã rơi vào thế khó khi không thể hủy chương trình này nhưng cũng không thể kết thúc dứt điểm được dự án.
Tới nay chỉ duy nhất Mỹ là quốc gia có khả năng tự thiết kế tàu sân bay độc lập. Các nước khác trên thế giới dù có khả năng đóng tàu sân bay như Anh, Pháp hay thậm chí Trung Quốc, đều phải dựa vào công nghệ của nước ngoài.
Không chỉ có thời gian đóng tàu lâu bậc nhất, tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ còn được coi là tàu chiến có thời gian chờ hạ thủy lâu bậc nhất. Ban đầu, tàu được dự kiến hạ thủy vào năm 2011, nhưng sau đó lại lỡ hẹn tới tận năm 2013.
Thực chất vào năm 2011, tàu Vikrant đã được đưa ra ngoài ụ nổi để sẵn sàng hạ thủy. Tuy nhiên do tiến độ gặp nhiều vấn đề và phát sinh nhiều sự cố, phải tới năm 2013 tàu sân bay này mới được hạ thủy chính thức.
Và một kỷ lục khác của tàu sân bay Vikrant cũng được báo chí Trung Quốc nhắc tới, đó là "tàu sân bay có công nghệ của nhiều quốc gia nhất".
Cụ thể, tàu Vikrant vay mượn nhiều chi tiết trong thiết kế của Anh, hệ thống động lực được phát triển bởi Nga và hệ thống điện tử được phát triển bởi Hà Lan.
Ngoài ra, tàu cũng sử dụng một vài trang thiết bị điện tử do Israel sản xuất. Ấn Độ - quốc gia chủ trương đóng tàu sân bay này - thực tế lại đóng góp rất ít vào công nghệ lõi để đóng tàu.
Tính tới thời điểm hiện tại - nghĩa là 8 năm sau khi hạ thủy chính thức, tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến tới tháng 10 năm nay mới chính thức hoàn thành.
Cũng theo truyền thông nước này, tới năm 2022 tàu sân bay Ấn Độ sẽ được đưa vào nhập biên. Tuy nhiên đây chỉ là dự kiến, thời gian thực tế có thể sẽ không được như mong đợi.
Cùng bằng thời gian Ấn Độ loay hoay tìm cách hoàn thiện tàu sân bay Vikrant, Trung Quốc đã hoàn thành hai tàu sân bay, sắp hoàn thành tàu sân bay thứ ba - tất cả đều được hoàn thiện trong nước. Nguồn ảnh: Sina.
Cận cảnh tàu sân bay INS Vikramaditya trong biên chế Hải quân Ấn Độ. Nguồn: Foxnews.
Trần Trân