Bảo vệ ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản mùa bão, lũ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng rìa phía Nam đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh nên từ nay đến 3/10, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Để ứng phó mưa gió trong đợt này và bão, lũ sắp đến, người dân, các địa phương đang triển khai bảo vệ ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản nhằm tránh thiệt hại.

 Giằng neo lồng, bè nuôi cá trên sông Bồ

Giằng neo lồng, bè nuôi cá trên sông Bồ

Đừng chủ quan

Mấy năm gần đây, nuôi tôm trên cát ven biển gặp nhiều khó khăn, thua lỗ do dịch bệnh, môi trường thay đổi, thời tiết diễn biến phức tạp. Nhiều ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát buộc phải bỏ hoang, một số hộ chuyển sang nuôi cá kình và các loại thủy sản thích hợp.

Tuy nhiên, thời điểm cuối năm thường thuận lợi cho nuôi tôm thẻ chân trắng nên tại vùng cát Ngũ Điền và xã Phong Hải (Phong Điền) cũng có hàng chục ao hồ đang thả nuôi. Ông Võ Kha ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải cho rằng, số ao hồ nuôi tôm giảm thì sản phẩm thường bán được giá, trong khi với vùng cát thường không ảnh hưởng nhiều bởi lũ lụt nên nuôi tôm vụ này thường có lãi. Tuy nhiên, các hộ nuôi không nên chủ quan trước diễn biến thời tiết mưa lũ phức tạp, khó lường. Thực tế đã có một số vụ, người dân Phong Hải chủ quan để xảy ra tình trạng vỡ đê bao, ao hồ làm tôm sắp thu hoạch bị cuốn trôi ra biển, thiệt hại nặng.

Theo ông Võ Kha, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thường mỗi ao nuôi rộng 2.000 - 3.000m2 phải chi phí con giống, thức ăn, thuốc, điện, nước, công chăm sóc… tầm 500 triệu đồng/vụ. Nếu tôm bị trôi, chết, dịch bệnh sẽ thiệt hại kinh tế lớn đối với người nuôi. Yêu cầu đặt ra với người nuôi tôm trên cát là không chủ quan, lơ là trong bảo vệ vật nuôi suốt mùa bão, lũ.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Trọng Tưởng thông tin, diện tích ao hồ nuôi tôm tại địa phương khoảng 60ha, trong đó khoảng 40ha nuôi thường xuyên. Do mấy năm gần đây thường bị dịch bệnh, tôm chết nên diện tích nuôi ngày càng giảm. Riêng vụ đông này, toàn xã chỉ thả nuôi tôm khoảng vài chục hồ, một số hồ nuôi cá kình.

Để đảm bảo an toàn trong mùa bão, lũ, chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân không chủ quan, lơ là, kết hợp hướng dẫn các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi, không để thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Cán bộ, kể cả lãnh đạo địa phương cũng về tận các hộ dân, ao hồ nuôi tôm kiểm tra, nắm bắt tình hình để nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ ao hồ trong mùa mưa bão.

Qua kiểm tra, hầu hết các hộ nuôi tôm đều trang bị đầy đủ vật dụng, nguyên liệu, máy móc, thuốc men… sẵn sàng xử lý khi có tình huống thiên tai đe dọa. Bà con gia cố đê bao, ao hồ kỹ càng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi cúp điện, hệ thống điện lưới bị hư hỏng do bão; hệ thống dàn quạt, máy tạo ô-xy được trang bị đầy đủ để tăng cường khi cần thiết. Tận dụng các ao hồ bỏ hoang, người dân đưa nước ngọt, nước mặn vào và xử lý các yếu tố môi trường ổn định nhằm đưa vào ao nuôi khi cần thiết, hoặc môi trường thay đổi đột ngột…

Chấp hành quy định, chủ động ứng phó

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng ngàn lồng, bè nuôi cá nước ngọt trên sông, đầm phá như sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Hương, Đại Giang… chưa thu hoạch. Hầu hết số lồng, bè nuôi này chưa đạt kích cỡ thương phẩm nên chưa thể thu hoạch, một số lồng được người nuôi giữ lại sau lũ, tết để bán được giá. Số lồng nuôi này cũng được chính quyền địa phương, người dân triển khai các biện pháp bảo vệ, giằng neo phòng tránh lũ cuốn trôi.

Đề phòng bão, lũ có thể gây nguy hại đến tính mạng, các địa phương, ngành nông nghiệp yêu cầu các hộ nuôi khẩn trương gia cố, giằng neo lồng, bè trước khi bão, lũ xảy ra. Sau khi hoàn thành giằng neo thì trở về nhà trú tránh bão, lũ, tuyệt đối không lưu lại trên lồng, bè khi có bão, nước lũ dâng cao, chảy xiết. Thực tế, đã từng xảy ra tình trạng người dân níu theo lồng bè bị lũ cuốn trôi, đe dọa, nguy hiểm tính mạng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần đốc thúc người dân thu hoạch toàn bộ số lồng, bè nuôi thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm nhằm tránh thiệt hại do bão, lũ. Các địa phương có biện pháp kết nối với các thương lái, chủ vựa tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đồng thời huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Các hộ nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển cần gia cố đê bao, bờ ao, kênh mương, cống lấy nước đảm bảo an toàn, phục vụ cấp, thoát nước trong quá trình xảy ra mưa lũ kéo dài; chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, thuốc men, chế phẩm sinh học… để xử lý, ứng phó khi môi trường, nguồn nước trong ao thay đổi. Máy phát điện dự phòng, máy tạo ô-xy phải trang bị tại chỗ để ứng phó khẩn cấp khi có sự cố.

Người dân cần thường xuyên theo dõi thời tiết, môi trường vùng nuôi, ao nuôi để có biện pháp kỹ thuật phù hợp như đảm bảo giữ độ mặn, kết hợp bón vôi giữ độ pH ổn định trong ao nuôi. Trong thời gian mưa lũ kéo dài phải bổ sung khoáng vi lượng, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Trong quá trình nuôi thủy sản, ứng phó thiên tai, người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp, quy định, hướng dẫn của địa phương, ban ngành. Khi xảy ra bất kỳ sự cố nào phải khẩn trương báo với chính quyền địa phương, ban ngành để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/bao-ve-ao-ho-long-be-nuoi-thuy-san-mua-bao-lu-146596.html