Bảo vệ 'búp trên cành'
Từ gia đình đến toàn xã hội cần chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em.
Trẻ em cần được người lớn lắng nghe. Trong ảnh: Huyện Nam Sách tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023. Ảnh: PT
“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, để chăm sóc, bảo vệ và tránh làm tổn hại trẻ em cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ bằng hành động.
"Cái nôi" phải an toàn
Gia đình là tổ ấm, nơi trẻ được chăm sóc, bảo vệ và học những kỹ năng sống đầu đời. Môi trường sống trong gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách của trẻ. Vì vậy, để chăm sóc trẻ tốt nhất, gia đình anh Vũ Hữu Quang ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) luôn dành thời gian vui chơi cùng con. Anh Quang cho biết mỗi thành viên trong gia đình đều cố gắng tạo điều kiện cho các con có không gian riêng yêu thích và có nhiều hoạt động phát triển thể chất. Mỗi ngày, ngoài giờ học, con trai anh Quang đá bóng với bố hoặc học đánh cờ với ông nội. Vợ anh Quang dành ngày nghỉ cuối tuần cùng con gái lớn làm những món đồ chơi thủ công.
“Chúng tôi trân trọng mỗi khoảnh khắc bên các con bởi gia đình là nơi con tìm thấy hạnh phúc và bình yên. Dù công việc có áp lực đến đâu thì khi về nhà những người lớn trong gia đình tôi đều cố gắng không để ảnh hưởng đến các thành viên khác, nhất là các con”, anh Quang nói.
Chăm sóc, yêu thương trẻ ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. Trong khi đó gần đây không ít các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em lại từ chính người thân trong gia đình. Tại Hải Dương đã từng có những câu chuyện buồn khi người thân trong gia đình xâm hại trẻ em như vụ N.X.N. ở phường Thái Thịnh (Kinh Môn) hiếp dâm con riêng của vợ. Hay tại Nam Sách mới đây cũng có một trường hợp xâm hại con riêng của vợ. Dù pháp luật không dung tha cho những hành vi đồi bại nhưng những ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ khi bị xâm hại, bạo hành sẽ còn mãi.
Chị Triệu Thị Lan ở phố Cao Bá Quát (TP Hải Dương) nhận định nếu trẻ em không được an toàn trong chính ngôi nhà của mình thì thật đáng lo. Gia đình phải là nơi các em được yêu thương và chăm sóc tốt nhất. Chị Lan thừa nhận khi giáo dục cho con, gia đình cũng mới chỉ trang bị kỹ năng phòng ngừa đối với người ngoài chứ chưa quan tâm hướng dẫn con cách bảo vệ cũng như lên tiếng khi bị chính người thân xâm hại.
Tại Hải Dương, mô hình “Gia đình văn hóa”, “Gia đình an toàn” được triển khai từ lâu và có những quy định, tiêu chí rất cụ thể về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ trong mỗi gia đình. Vì vậy, để bảo vệ trẻ tránh nạn bạo hành, xâm hại tình dục, giúp chúng phát triển toàn diện thì gia đình phải là nơi làm tốt đầu tiên.
Xã hội cần chăm lo
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có hơn 488.000 trẻ em, chiếm hơn 25% dân số toàn tỉnh, trong đó có hơn 3.000 trẻ có hoàn cảnh khó khăn đang được hưởng trợ giúp xã hội tại cộng đồng.
Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết thời gian qua Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách về trẻ em với 4 mục tiêu chính là phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; bảo vệ trẻ; giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ; khuyến khích sự tham gia của trẻ vào các vấn đề về trẻ em.
HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, đối tượng và chế độ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo nghị quyết, mức trợ cấp của tỉnh được nâng lên 380.000 đồng/người/tháng, cao hơn 20.000 đồng/tháng so với mức chung toàn quốc.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Dương luôn duy trì nhiều chương trình hỗ trợ, chăm sóc trẻ em như khám sàng lọc phát hiện sớm các bệnh về tim, dị tật vùng hàm mặt cho trẻ; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh; kết nối nhận đỡ đầu, tặng sổ tiết kiệm, trao học bổng, xe đạp… Đặc biệt, chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” đã gắn kết trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn với hàng trăm tấm lòng yêu thương con trẻ.
“Đây là một trong nhiều chính sách thiết thực thể hiện sự quan tâm của tỉnh cũng như toàn xã hội đối với trẻ em”, ông Quân khẳng định.
Mặc dù có nhiều hoạt động chăm lo nhưng nhiều trẻ em của Hải Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do đó, Hải Dương đang tích cực thực hiện những chính sách cụ thể, phù hợp nhằm chăm lo kịp thời, thiết thực cho trẻ, không để trẻ phải chịu thiệt thòi, nâng bước giúp các em phát triển toàn diện.
Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ. Qua đó, tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em. “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh số vụ bạo lực trẻ em trong trường học, gia đình đang có chiều hướng tăng lên trong thời gian gần đây.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/bao-ve-bup-tren-canh-235959