Bảo vệ cây trồng trước các đợt rét đậm, rét hại

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa phùn. Để hạn chế thiệt hại, nông dân các địa phương, ngành Nông nghiệp đã chủ động các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng.

Nông dân xã Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) che phủ nilon chống rét cho rau màu vụ Đông Xuân. Ảnh: Thế Hùng

Nông dân xã Định Trung (thành phố Vĩnh Yên) che phủ nilon chống rét cho rau màu vụ Đông Xuân. Ảnh: Thế Hùng

Những ngày sau Tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, thậm chí một số khu vực nhiệt độ xuống thấp; đây cũng là thời điểm các địa phương tập trung gieo trồng, chăm sóc lúa, rau màu cây vụ Đông Xuân.

Bà Dương Thị Thu, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) cho biết: Năm nay, lập Xuân sau Tết và có đợt rét đậm, rét hại kéo dài, gia đình chủ động bảo vệ diện tích lúa đã cấy bằng cách duy trì lớp nước mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa; không bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm, rét hại theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.

Khi thời tiết ấm trở lại, thêm nước vào ruộng, bón thúc đợt 1 và kết hợp làm cỏ tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, giúp cây lúa nhanh đẻ nhánh.

Với hơn 1 mẫu ruộng trồng rau màu, gia đình anh Nguyễn Văn Nghị, xã Vân Hội (Tam Dương) đã chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ rau màu trước các đợt rét đậm, rét hại như thường xuyên tưới nước, bón phân cho cây để tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống rét cho cây rau.

Trong điều kiện thời tiết có sương muối, tiến hành phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua. Đồng thời thu hoạch những diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch.

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 80% diện tích lúa vụ Đông Xuân; gieo trồng được hơn 5.900 ha cây rau màu các loại.

Để bảo vệ cây trồng trước các đợt rét đậm, rét hại, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, nông dân:

Đối với diện tích mạ, áp dụng biện pháp che phủ nilon để chống rét và chim, chuột phá hại, đảm bảo đủ mạ cấy hết diện tích theo kế hoạch.

Đối với diện tích lúa đã cấy, duy trì đủ nước trong ruộng (mực nước thích hợp từ 2-3 cm) để giữ ấm, giúp cho cây lúa đẻ nhánh thuận lợi; tuyệt đối không bón phân đạm hoặc NPK trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.

Chỉ cấy lúa khi nhiệt độ trong ngày trên 15 độ C để tránh hiện tượng mạ cấy xuống bị chết rét. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại chủ động có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch khẩn trương thu hoạch.

Đối với nhóm rau ăn lá, che phủ nilon tránh mưa rét, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm; bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học giúp cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét.

Đối với cây lạc, đậu tương, ớt, ngô xuân, không gieo trồng khi nhiệt độ dưới 13 độ C.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73667/bao-ve-cay-trong-truoc-cac-dot-ret-dam-ret-hai.html