Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Trách nhiệm của toàn xã hội

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của cộng đồng chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai. Toàn tỉnh hiện có gần 543 nghìn trẻ em, chiếm trên 26% dân số. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của cộng đồng chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Toàn tỉnh hiện có gần 543 nghìn trẻ em, chiếm trên 26% dân số. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức truyền thông bằng các hình thức cho gần 9.000 lượt người về lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đã đăng tải hàng trăm tin, bài tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước dành cho trẻ em, Luật Trẻ em, các nội dung liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quyền tham gia của trẻ em. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã in, cấp phát 137.300 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về quyền tham gia phát triển của trẻ em; phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực đối với trẻ em, ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích… Tổ chức 40 Diễn đàn trẻ em về quyền, bổn phận của trẻ em; nâng cao nhận thức, kỹ năng hiểu biết, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em cho các em về phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh bạo lực, xâm hại tình dục và các vấn đề liên quan đến trẻ em với sự tham gia của 4.300 trẻ em. Hầu hết các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông về công tác bảo vệ trẻ em. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố đã phát thanh 800 tin, bài tuyên truyền; các địa phương đã tổ chức 305 cuộc nói chuyện chuyên đề, tọa đàm; 400 hội thi, hội trại, hội thi vẽ, thi nghi thức Đội, tham gia tìm hiểu Luật Trẻ em, quyền trẻ em, tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ cho trẻ em với sự tham gia của gần 60 nghìn lượt trẻ em. Nhiều địa phương thực hiện tốt các hoạt động truyền thông công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em như: Thành phố Nam Định, Xuân Trường, Hải Hậu, Vụ Bản… Hàng năm Phòng LĐ-TB và XH huyện Xuân Trường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ LĐ-TB và XH các xã, thị trấn và 346 cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở các thôn, xóm. Các phòng, cơ quan, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ truyền thông về bảo vệ trẻ em theo chức năng nhiệm vụ được giao. Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến nay cả 20 xã, thị trấn của huyện đều được công nhận phù hợp với trẻ em. Huyện Vụ Bản hiện có gần 39.600 trẻ dưới 16 tuổi. Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và trường học. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức 6 lớp tập huấn tuyên truyền “Mô hình giảm thiểu lao động trẻ em” cho hàng nghìn lượt cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em tham dự. Các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đến nay, cả 18/18 xã, thị trấn của huyện Vụ Bản được công nhận phù hợp với trẻ em.

Để chăm lo đúng, đủ, kịp thời cho trẻ em, Sở LĐ-TB và XH tích cực phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố quản lý dữ liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp bảo vệ. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được từ 1,8-2,3 tỷ đồng, được sử dụng hiệu quả cho các hoạt động thăm, tặng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi (1-6), cấp học bổng, hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em mắc các bệnh tim bẩm sinh, mắt, hở hàm ếch, khuyết tật vận động... Năm 2019, bằng nguồn kinh phí vận động, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ 6.545 lượt trẻ em, trong đó phẫu thuật môi, vòm miệng cho 4 trẻ em; 268 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học khá, giỏi được cấp học bổng; 90 trẻ được nhận đỡ đầu, bảo trợ dài hạn; trao tặng xe đạp cho 205 trẻ em khó khăn về phương tiện đến trường; tặng 475 em dụng cụ học tập… Bên cạnh đó, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh còn phối hợp với các tổ chức từ thiện thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khác cho trẻ em như “Phẫu thuật nụ cười”, “Vì trái tim trẻ thơ”, “Vì ánh mắt trẻ thơ”, cấp học bổng, phục hồi chức năng cho trẻ em; xây dựng mô hình dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và mồ côi.

Trước thực trạng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ bị xâm hại… UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai tích cực. Từ năm 2016 đến nay, Sở GD và ĐT đã tổ chức 3 lớp tập huấn về Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em với 471 học viên là giáo viên, hướng dẫn viên các trường tham dự. Sở VH, TT và DL đã tổ chức 4 lớp tập huấn cứu hộ cứu đuối nước có 420 học viên tham gia và cử 15 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức. Hoạt động dạy bơi, dạy kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em được đẩy mạnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 3.656 lớp dạy bơi theo chương trình phổ thông; hơn 360 nghìn trẻ em trong tỉnh tham gia học bơi, học kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; 317 lớp dạy bơi theo Chương trình thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước năm 2020. Theo số liệu thống kê của Sở VH, TT và DL, nhờ làm tốt công tác dạy bơi, đến nay 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết bơi; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết kiến thức và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 47/455 trường học xây dựng mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi cho trẻ em vào dịp hè, hàng năm Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh; Trung Tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh; Trung tâm VH-TT-TT các huyện, thành phố mở các lớp năng khiếu; Thư viện tỉnh bổ sung, cập nhật nhiều đầu sách mới, tạo điều kiện để các em đến học tập; Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, triển lãm với chủ đề phong phú thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có kết quả tích cực. Toàn tỉnh không có trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị bóc lột, mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn, tị nạn, trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; nhóm đối tượng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và trẻ em tàn tật được tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Toàn tỉnh có 224/226 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

Để tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 26-2-2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, 100% các địa phương xây dựng mô hình hoặc lồng ghép các nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi với phong trào phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội tại địa bàn cơ sở. Bảo đảm 100% tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 95%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi phải được khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật… kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202106/chao-mung-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6-bao-ve-cham-soc-tre-em-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-2544386/