Bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đúng pháp luật
Với nhiều vỏ bọc, chiêu thức tinh vi, kinh doanh đa cấp biến tướng đã và đang nở rộ. Điều này không chỉ đưa hàng trăm nghìn người vào 'bẫy' mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính, đúng pháp luật.
Nở rộ đa cấp biến tướng
Thời gian gần đây, dư luận không khỏi hoang mang trước những thông tin về một số vụ chuyển nhượng lan đột biến có giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, nhiều vụ chuyển nhượng đã bị cơ quan chức năng phanh phui là giao dịch ảo. Theo các chuyên gia, đây là một hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Các ngành sinh học Việt Nam phân tích: "Về khía cạnh kinh tế, đến nay chưa có cơ quan nào có chức năng kiểm định, công nhận về giá trị tiền tỷ của những cây lan đột biến mà đó chỉ là chiêu trò gây chú ý. Khi "thổi giá" đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, người mua lan rất khó bán lại, vì thế, những người phía sau là những người chịu thiệt". Đa cấp biến tướng còn thể hiện qua việc các đối tượng tự xưng là doanh nhân, diễn giả, chuyên gia đào tạo đầu tư bất động sản lừa gạt người học thông qua các hình thức đầu tư nhóm hoặc ký “hợp đồng ủy thác đầu tư” với các gói cam kết lợi nhuận 25-85%/tháng. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, thực chất, họ cũng chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước theo mô hình đa cấp Ponzi. "Những vụ việc này không chỉ gây mất trật tự an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ", bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam bày tỏ.
"Đọc vị" những dấu hiệu của kinh doanh đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) xác định có 4 biểu hiện chính, đó là không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Cần bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính
Ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định: "Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống". Khẳng định bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng hợp pháp, bà Trương Thị Nhi phân tích, so với thế giới, hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam cũng không khác biệt nhiều. Thế giới và Việt Nam đều có sự tương đồng về phương thức tiếp thị theo mạng lưới người tham gia hay tiếp thị đa tầng (network marketing).
Để tránh bị lợi dụng trước kinh doanh đa cấp biến tướng, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, người tham gia cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp đa cấp trên các tiêu chí như: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp. Về phía các cơ quan quản lý, ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định: "Bộ Công Thương có chức năng cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh đa cấp; tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật; phối hợp với cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền... Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để phù hợp với tình hình mới hiện nay".
Theo thông tin từ Tọa đàm trực tuyến “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam” tổ chức vào ngày 19-4 vừa qua, tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng, với tổng số hơn 800.000 người tham gia. Tổng số thuế mà các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng gần 150 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện Việt Nam cũng nằm trong tốp 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019. Do vậy, dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn.
Để phát huy lợi thế của thị trường kinh doanh đa cấp, bà Trương Thị Nhi khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động trong công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng hiểu rõ các quy định pháp luật, phân biệt được đâu là các mô hình đa cấp biến tướng; xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp, đồng thời có biện pháp giám sát một cách chặt chẽ. Cần đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện kinh doanh đa cấp biến tướng, thiết thực bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính, hoạt động đúng pháp luật...