Bảo vệ môi trường từ ý thức người dân

Dù không tốn kém chi phí đầu tư thực hiện nhưng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) lại rất khó hoàn thành, bởi liên quan đến thói quen sinh hoạt của người dân, nhất là vấn đề xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện tốt vấn đề này, các địa phương đã đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất.

Giữ cho thế hệ mai sau

Xã Tân Quan, huyện Hớn Quản hoàn thành xây dựng NTM cuối năm 2020. Đến nay, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải; phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hóa được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư. Tân Quan được xem là điểm sáng tiêu biểu của huyện trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường sống.

Ngay cả những khu dân cư cách xa các trục đường lớn, chưa có đơn vị thu gom rác như ấp Sóc Ruộng 2, cảnh quan môi trường cũng luôn được giữ gìn xanh - sạch - đẹp. Mọi người dân đều nhắc nhở nhau nêu cao ý thức bảo vệ môi trường sống. “Hằng ngày, mình phải có ý thức phát quang cỏ cây, dọn dẹp, thu gom và xử lý rác thải sạch sẽ không chỉ trong khuôn viên đất ở mà cả ngoài lòng, lề đường, nơi công cộng. Nếu gia đình nào cũng ý thức được như vậy thì sẽ tạo được cảnh quan sạch đẹp, môi trường sống trong lành, đảm bảo sức khỏe cho bản thân hiện tại và đời con, cháu sau này” - bà Nguyễn Thị Tuyn, ấp Sóc Ruộng 2 giải thích.

Bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp. Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng ngày nay

Bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới xanh - sạch - đẹp. Trong ảnh: Một góc trung tâm xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng ngày nay

Làm kinh tế từ việc nuôi heo với quy mô 300 con nên ông Nguyễn Trung Sơn ở ấp Sóc Ruộng 2 càng ý thức “không vì thu nhập mà gây ô nhiễm môi trường”. Trên thực tế, việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là rất khó, chất thải nếu không xử lý tốt sẽ dẫn đến ô nhiễm không khí nhưng ông cho rằng khó mấy cũng phải tìm cách xử lý. Ngoài vệ sinh sạch sẽ chuồng trại hằng ngày, ông còn xây dựng hệ thống biogas, hầm tự hoại xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng như trong sinh hoạt để bảo vệ môi trường sống cho gia đình và cộng đồng. “Ấp có 11 hộ chăn nuôi quy mô thì tất cả đều được tập huấn, hướng dẫn làm hầm biogas, hầm tự hoại đảm bảo. Hằng năm, ngành chức năng về kiểm tra và đánh giá rất cao công tác vệ sinh môi trường của ấp” - Trưởng ấp Sóc Ruộng 2 Phạm Thị Thương tự hào.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Quan Trần Thu Phương cho rằng, để giữ được môi trường trong lành, đảm bảo như hiện nay thì việc nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân là quan trọng nhất. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân và ký cam kết bảo vệ môi trường.

Tân Quan có 1.492 hộ thì 100% ký cam kết bảo vệ môi trường, 100% sử dụng nước hợp vệ sinh (65,55% hộ sử dụng nước sạch), 98,52% hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch”. Xã có 108 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó 103 hộ có chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. 37/37 hộ và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm của hệ thống chính trị

Để bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, định kỳ hằng tháng Ban điều hành thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng huy động người dân chia thành từng nhóm dọn vệ sinh, thu gom rác thải cũng như nhổ cỏ, chăm sóc hoa, cây cảnh tại các tuyến đường ngõ, hẻm. Thôn có 7 tuyến đường bê tông xi măng với chiều dài 3,5km, trong đó 5 tuyến giao cho các hội, đoàn thể phụ trách, số còn lại tất cả người dân đều có trách nhiệm thực hiện chung. Đây là việc làm ý nghĩa nên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2 Nguyễn Thị Lương chia sẻ: Trước tiên, chúng tôi nhen nhóm từ các hội, đoàn thể, sau đó nhân rộng ra toàn thôn. Gia đình nào, tuyến đường nào làm sạch, đẹp, thông thoáng thì chúng tôi tuyên dương, lấy đó để nhân rộng và ngược lại. Cứ như thế, mọi gia đình, hội đoàn thể đều ý thức và thi đua xây dựng môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Người dân thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng dọn vệ sinh trong khu dân cư định kỳ hằng tháng

Người dân thôn 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng dọn vệ sinh trong khu dân cư định kỳ hằng tháng

Ngay cả các khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân cũng đã nâng cao hơn rất nhiều. Phần lớn người dân đều có ý thức dọn vệ sinh, thu gom rác thải và xử lý đúng nơi quy định, tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, thân thiện. Nếu như trước đây, người dân có thói quen chăn nuôi thả rông thì nay các hộ dân đều làm chuồng trại nuôi tập trung, bố trí cách xa nhà ở và luôn vệ sinh sạch sẽ. Trong mỗi gia đình đều có nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín đảm bảo hợp vệ sinh.

Chủ tịch UBND xã Minh Hưng Trần Văn Tuyển chia sẻ: Năm 2021, xã phấn đấu về đích NTM nâng cao thì tiêu chí về môi trường cũng đòi hỏi mức độ cao hơn. Băn khoăn của xã trong thực hiện tiêu chí môi trường hiện nay là việc thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y. Hiện nay, giải pháp chủ yếu là dựa vào ý thức người dân khi đốt các loại rác thải này. Bởi vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện tiêu chí môi trường không đòi hỏi nhiều về kinh phí nhưng nâng cao ý thức người dân là quan trọng. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải được đẩy mạnh và có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể từ cấp xã đến thôn, ấp. Ở Minh Hưng, mỗi hội đoàn thể xã và 8/8 thôn đều cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký không xả rác bừa bãi, thực hiện phân loại cũng như thu gom rác về nơi quy định. Hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi đã hạn chế rất nhiều, góp phần bảo vệ cảnh quan cũng như môi trường sống của người dân.

Chủ tịch UBND xã Minh Hưng TRẦN VĂN TUYỂN

Bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe người dân là rất khó nhưng không thể không làm được. Thực tế ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng hay xã Tân Quan, huyện Hớn Quản là minh chứng rõ nhất. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của mỗi người dân. Bởi để thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân, nhất là ở khu dân cư có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì không phải ngày một ngày hai có thể làm được mà là cả quá trình thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi mỗi người dân hiểu rằng, bảo vệ môi trường sống là bảo vệ sức khỏe của chính mình, tương lai của con cháu thì mới chủ động và chung tay cải thiện, bảo vệ môi trường ngày càng trong lành, xanh, sạch, đẹp.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128243/bao-ve-moi-truong-tu-y-thuc-nguoi-dan