Bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất

Nhiều biện pháp, giải pháp được các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai, thực hiện, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước (TNN), nhất là bảo vệ, quản lý chất lượng nguồn TNN ngầm trên địa bàn tỉnh Long An.

Tỉnh khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt, vừa phát huy hiệu quả nguồn nước mặt, vừa bảo vệ nguồn nước dưới đất

Tỉnh khuyến khích sử dụng nguồn nước mặt, vừa phát huy hiệu quả nguồn nước mặt, vừa bảo vệ nguồn nước dưới đất

Đề ra nhiều giải pháp thực hiện

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, công tác quản lý, khai thác nguồn TNN trên địa bàn luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt. Tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất;...

Từ năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3274/QĐ-UBND, ngày 19/11/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN dưới đất tỉnh Long An với mục tiêu huy động mọi nguồn lực quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước dưới đất có hiệu quả nhất, vừa bảo đảm khai thác hài hòa, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, vừa bảo vệ, dự trữ nước dưới đất một cách bền vững, an toàn, phục vụ khai thác, sử dụng lâu dài tại các địa phương trong tỉnh.

Nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn TNN dưới đất, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 09/5/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác TNN dưới đất. UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017 về việc phê duyệt Danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Long An và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất.

Theo đó, công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác TNN dưới đất được thực hiện dựa trên Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN dưới đất tỉnh Long An; đồng thời, theo quy định không tham mưu UBND tỉnh cấp phép các hồ sơ đối với khu vực đã có đường ống cấp nước tập trung có khả năng cung cấp nước ổn định về số lượng, chất lượng cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt để phục vụ quá trình sản xuất, hạn chế khai thác nước ngầm.

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước mặt trên địa bàn huyện Đức Hòa và tiếp tục thực hiện tại các địa phương trong thời gian tới.

“Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TNN, nhất là TNN dưới đất được thực hiện chặt chẽ và đi vào nền nếp, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước tại địa phương. Chất lượng nguồn nước dưới đất cơ bản được bảo vệ và cải thiện” - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin.

Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm

Công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là nước ngầm được tỉnh thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ (Trong ảnh: Quan trắc để kiểm tra chất lượng nước ngầm trên địa bàn)

Công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là nước ngầm được tỉnh thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ (Trong ảnh: Quan trắc để kiểm tra chất lượng nước ngầm trên địa bàn)

Tại địa bàn huyện Thạnh Hóa, công tác quản lý nhà nước về TNN trong thời gian qua đạt những kết quả khả quan. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện pháp luật,... được địa phương đẩy mạnh, chú trọng thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Tân (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: "Tôi hình thành thói quen sử dụng nguồn nước tiết kiệm do đặc thù của vùng Đồng Tháp Mười. Huyện cũng thường xuyên quan tâm, nâng cấp hệ thống cấp nước để người dân sử dụng, bảo đảm chất lượng cũng như lưu lượng".

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phạm Tùng Chinh, huyện bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung, kêu gọi các nguồn lực, vận động người dân lắp đặt, đấu nối vào các tuyến ống cấp nước tập trung. Từ đó, cơ bản giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân cũng như doanh nghiệp. Huyện thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định, đặc biệt nâng cao công tác quản lý nguồn nước ngầm, phát huy hiệu quả nguồn nước mặt.

Trong kế hoạch sắp tới, huyện yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cấp các hệ thống cấp nước từ hợp vệ sinh lên nước sạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và sự phát triển KT-XH. Huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước; kêu gọi mọi người sử dụng nước sạch tiết kiệm, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và suy thoái nguồn nước;...

Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, công tác quản lý TNN trên địa bàn đạt một số kết quả nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TNN và các chỉ đạo từ cấp trên trong bảo vệ nguồn nước, nhất là nước dưới đất.

Huyện kiến nghị cấp trên tiếp tục nâng cao chuyên môn cho cán bộ quản lý các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. Cấp trên đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước mặt tập trung cho cả thành thị và nông thôn để hạn chế khoan giếng và khai thác đơn lẻ, góp phần bảo vệ tốt nguồn nước dưới đất;...

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về TNN bảo đảm phù hợp theo Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg, ngày 27/12/2022 và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra được tích hợp vào trong Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 và Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất.

Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt hiện có, phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn. Nhiều dự án, công trình khai thác, sử dụng nguồn nước mặt hoàn thành, đưa vào hoạt động như Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa), Nhà máy Nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa),... không chỉ phát huy thế mạnh nguồn nước mặt trong cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần thiết thực bảo vệ nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm: Hàng năm, Sở thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm để tăng cường công tác quản lý TNN trên địa bàn. Tỉnh đưa vào vận hành 3 trạm quan trắc nước mặt tự động cố định liên tục và tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục tại 63 giếng khai thác của các doanh nghiệp.

Sở tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật TNN năm 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu UBND tỉnh xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất không đăng ký, không có giấy phép, hết hạn giấy phép.

Sở phối hợp xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có sử dụng đất công, tiếp tục xử lý, trám lấp các giếng khoan hư hỏng hoặc không sử dụng. Sở kiểm kê, đánh giá nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp khai thác TNN lắp đặt thiết bị, kết nối dữ liệu giám sát tự động, trực tuyến đối với công trình khai thác, sử dụng TNN;..../.

Châu Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bao-ve-nguon-tai-nguyen-nuoc-duoi-dat-a185310.html