Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động

Trong lao động, sản xuất, dù không mong muốn, nhưng rủi ro tai nạn vẫn có thể xảy ra dẫn đến chấn thương, thương tật vĩnh viễn, thậm chí là tử vong, thu nhập giảm hoặc không còn khả năng lao động, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn... Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội) được lập nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi không may gặp rủi ro trong quá trình lao động, sản xuất.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến chè của Công ty Vinatea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam).

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến chè của Công ty Vinatea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam).

Chị Đinh Thị Ngọc Bích, giáo viên Trường mầm non Chiềng Xuân, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, đang được hưởng chế độ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Chị Bích cho biết: Cuối tháng 10/2021, trong lúc đi giặt chiếu cho trẻ tại trường tôi bị trượt chân ngã gẫy khuỷu tay, ảnh hưởng đến dây thần kinh trụ, dẫn đến các ngón tay bị hạn chế vận động, không có khả năng phục hồi hoàn toàn. Tôi được xác định tỷ lệ thương tật 35%. Nhờ tham gia bảo hiểm xã hội, tôi được hưởng chế độ trợ cấp với mức gần 700.000 đồng/tháng từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Khoản trợ cấp không lớn, nhưng đã phần nào hỗ trợ tôi trong cuộc sống.

Cuối năm 2021, trong quá trình làm việc tại Nhà máy gạch Tuynel Chiềng Sinh (thuộc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng I Sơn La), anh Trần Minh Trường, công nhân Nhà máy, không may bị chấn thương ở vùng đùi, được xác định mức độ thương tật 20%. Anh Trường cho biết: Tôi đóng bảo hiểm xã hội được 11 năm, nên sau khi bị tai nạn lao động, tôi đã được Công ty hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, với mức gần 32 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Khoản tiền hỗ trợ này đã giúp tôi có thêm kinh phí điều trị sức khỏe, phần nào giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình.

Hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ-BNN, bảo vệ quyền lợi người lao động, hàng năm, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền về việc thực hiện nghiêm quy định vệ sinh an toàn lao động; vận động người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động; hướng dẫn thủ tục giải quyết chính sách, chế độ cho các trường hợp bị TNLĐ-BNN kịp thời, chia sẻ rủi ro với người bị tai nạn. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp việc thực hiện các quy định kỹ thuật an toàn trong quá trình lao động sản xuất, các điều kiện về môi trường làm việc, máy móc, trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cá nhân; tăng cường tư vấn các biện pháp và mô hình cải thiện điều kiện làm việc đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình làm các nghề tiềm ẩn nguy cơ cao về TNLĐ-BNN...

Hiện, toàn tỉnh có hơn 5.000 đơn vị, doanh nghiệp; trong đó, 1.198 cơ sở hành chính sự nghiệp, 3.780 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 4 doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương, còn lại là các doanh nghiệp khác. Gần 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong, hiện thân nhân người lao động các trường hợp trên đang hoàn thiện thủ tục để nhận bảo hiểm TNLĐ-BNN. Ngoài ra, cũng từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần (đối với trường hợp bị tai nạn lao động mà mức thương tật dưới 31%) cho 5 trường hợp, với số tiền 185 triệu đồng và 2 hồ sơ trợ cấp hàng tháng (đối với trường hợp bị tai nạn lao động với mức thương tật từ 31% trở lên) với gần 700.000 đồng/tháng/trường hợp và hơn 1,1 triệu đồng/tháng/trường hợp.

Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN đã góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe người lao động khi xảy ra những tai nạn ngoài ý muốn; chia sẻ gánh nặng giúp người lao động vượt qua khó khăn. Qua đó, đảm bảo quyền lợi của người lao động, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap-cho-nguoi-lao-dong-52705