Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Đồng thời, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng các mô hình đảm bảo ATTP, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

 Việc sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được nông dân quan tâm thực hiện- Ảnh: T.L

Việc sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được nông dân quan tâm thực hiện- Ảnh: T.L

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng là công việc hàng đầu nhằm giúp người sản xuất, kinh doanh nhận thức và có trách nhiệm tốt hơn trong việc đảm bảo chất lượng, ATTP, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chú trọng đến công tác truyền thông trên nhiều phương tiện. Các đơn vị trong ngành tổ chức 534 hội nghị, hội thảo; 393 lớp tập huấn cho người sản xuất, kinh doanh các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng ATTP như Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật ATTP; các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định xử phạt hành chính, xử phạt hình sự…

Để thông tin cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng biết tình hình ATTP, công tác quản lý chất lượng cũng như hướng dẫn sản xuất đảm bảo ATTP, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. In và phát 51.078 tờ rơi về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông - lâm - thủy sản và vật tư nông nghiệp… Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kiến thực và thực hành ATTP cho tất cả các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Người dân quan tâm nhiều hơn và đặt niềm tin vào các sản phẩm nông - lâm - thủy sản được kiểm soát ATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận an toàn.

Cùng với đó, công tác thanh tra được ngành chủ động tăng cường, đặc biệt là tập trung thực hiện thanh tra đột xuất. Trong 8 năm qua đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 9.192 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thanh tra đã lấy 7.759 mẫu thực phẩm, phát hiện 225 mẫu thực phẩm có dư lượng các chất độc hại, chất cấm, vi sinh và kháng sinh vượt giới hạn cho phép. Đã thực hiện tiêu hủy các sản phẩm vi phạm như chả có hàn the, gia vị hết hạn sử dụng, ớt trái khô nguyên liệu kém chất lượng... Ngoài ra, các đơn vị trong ngành cùng với thanh tra sở đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp như mẫu thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y, chế phẩm dùng trong thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật… để gửi kiểm nghiệm và xử phạt những cơ sở có mẫu không đạt chất lượng. Đồng thời thông báo cho những cơ sở kinh doanh trên địa bàn những mẫu vật tư nông nghiệp vi phạm chất lượng.

Công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP được chú trọng thực hiện, thời gian qua đã tiến hành kiểm tra 470 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông - lâm - thủy sản, vật tư nông nghiệp, có trên 95% số cơ sở xếp loại A và loại B. Đối với cơ sở sản xuất nông - lâm - thủy sản nhỏ lẻ không phải kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP, đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện ký cam kết và tổ chức kiểm tra thực hiện cam kết theo quy định của tỉnh, đến nay đã có 11.424 cơ sở đã ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn… Công tác phối hợp với các ban, ngành trong nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được quan tâm thực hiện tốt. Đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý thị trường tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, tiến hành xử phạt các cơ sở vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP.

Song song với công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng các mô hình đảm bảo ATTP, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị để sản xuất và cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Phong trào sản xuất hữu cơ, thực hành sản xuất tốt được chú trọng đẩy mạnh. Đã đồng hành với các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động triển khai xây dựng cánh đồng lớn, đồng thời có chính sách mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Kết quả đã có 694 ha liên kết sản xuất lúa bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ngoài cây lúa, còn kết nối để liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ với quy mô hơn 100 ha tại các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh; liên kết để trồng và tiêu thụ cây chanh leo với quy mô 32 ha tại huyện Hướng Hóa và các địa phương khác. Tiếp tục phối hợp với một tập đoàn của Nhật Bản để triển khai mô hình công nghệ cao trồng dưa lưới tại vùng cát, vùng đồi của các huyện Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Kết nối thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ 12 ha chuối già lùn Nam Mỹ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo ATTP tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Đến nay, các đơn vị chức năng của ngành đã kết nối chứng nhận được 9 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh để người tiêu dùng có cơ hội tiêu thụ những sản phẩm an toàn được kiểm tra theo chuỗi.

Hiện nay, vệ sinh ATTP đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, tình trạng lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ quy trình kỹ thuật, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các loại thuốc kích thích tăng trưởng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng... đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Những nỗ lực của ngành Nông nghiệp và PTNT nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nông- lâm- thủy sản đã góp phần quan trọng giúp người sản xuất, người kinh doanh có trách nhiệm hơn trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cũng thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153163