Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Ngày 5-11, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã ký Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-11-2024.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, các hội doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức - xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nội dung phối hợp bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tư vấn, hỗ trợ và nâng cao kỹ năng, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương. Cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp thực hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng, ban hành hoặc trình HĐND tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo quy định.

Quy chế này cũng quy định rõ, hoạt động phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh chồng chéo, buông lỏng. Công tác phối hợp trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện chủ động, kịp thời, hiệu quả, công bằng, minh bạch; không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời; không gây khó khăn, phiền hà hoặc kéo dài; đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương. Trong đó, giao Cục Quản lý thị trường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Kết hợp với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của đơn vị để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi, người dùng trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cung cấp thông tin đối với các vụ việc điển hình, đặc biệt là các vụ việc vi phạm chất lượng, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để Sở Công Thương, UBND cấp huyện đăng tải trên trang thông tin điện tử.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định.

N.K

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/164884/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-va-tao-dung-moi-truong-kinh-doanh-lanh-manh