Bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Để đảm bảo lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đang tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra các cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng.

Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đơn vị đã tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo vệ người tiêu dùng.

Công tác kiểm tra, kiểm soát được tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, như: Bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng tươi sống và các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: Khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, thuốc chữa bệnh... Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 24/1/2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 239 vụ, xử lý 130 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 386 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 123 triệu đồng. Trong tháng 1/2022, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra 438 vụ, xử lý 270 vụ, nộp ngân sách Nhà nước trên 4 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 162 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở Công Thương đã chủ động xây dựng các phương án, kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân; bám sát diễn biến thực tế cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể bị mất cân đối cung - cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời. Các chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại hầu hết phục vụ tới hết ngày 30 tết và bắt đầu mở cửa trở lại mùng 2 hoặc mùng 3 Tết Nguyên đán. Do đó, Sở Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua quá nhiều thực phẩm tươi sống để tích trữ, tránh gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung ảo, tạo điều kiện cho các hành vi đẩy giá trục lợi.

Chị Mai Thanh Hòa, chủ cửa hàng tạp hóa, tổ 9, phường Chiềng Lề (Thành phố), cho biết: Chúng tôi được lực lượng quản lý thị trường và công an tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không mua, bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, cửa hàng luôn lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, hàng nhập về có giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; cam kết không vận chuyển tàng trữ kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, lực lượng chức năng đã và đang nỗ lực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn, đảm bảo bình ổn thị trường, để người dân vui xuân, đón tết an toàn.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ve-san-xuat-va-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-47437