Bảo vệ 'tài sản quý giá' của doanh nghiệp

Là lực lượng lao động chính, “tài sản quý giá” của doanh nghiệp, công nhân, lao động (CNLĐ) cần được quan tâm, đảm bảo về mặt sức khỏe. Chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ cũng là một trong những nhiệm vụ quyết định năng suất làm việc, chất lượng và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Hiểu được điều này, các doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho CNLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Vitto-VP được tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng hậu Covid-19

Công nhân Công ty TNHH Vitto-VP được tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng hậu Covid-19

Ngày 21/5 vừa qua, CNLĐ Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch hào hứng có mặt tại công ty để khám, kiểm tra sức khỏe miễn phí.

Chị Ngô Thị Thu Huế, công nhân công ty chia sẻ: “Sau khi khỏi Covid-19 đợt đầu năm, thỉnh thoảng tôi cảm thấy đau đầu, choáng váng và mất ngủ, nhưng vẫn chưa sắp xếp được thời gian đi khám. Vì vậy, tôi rất phấn khởi khi công ty phối hợp với đơn vị y tế tổ chức khám bệnh miễn phí ngay tại công ty.

Rất may là kết quả sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, tôi không mắc bệnh gì; các bác sĩ đã tư vấn cho tôi về cách bố trí thời gian sinh hoạt, làm việc hợp lý để giữ gìn sức khỏe.

Không chỉ dịp này mà từ khi tôi làm việc ở công ty đến nay, năm nào, công ty và Công đoàn cũng quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ). Đây là động lực để chúng tôi yên tâm làm việc và gắn bó với công ty”.

Công ty TNHH Lợi Tín Lập Thạch là một trong những doanh nghiệp được LĐLĐ tỉnh chọn để triển khai kế hoạch “Khám sức khỏe cho công nhân lao động năm 2022”. Trong đợt này, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Phòng khám Đa khoa Medlatec Vĩnh Phúc khám sức khỏe cho hơn 2.000 CNLĐ tại các doanh nghiệp điện tử, giày da, may mặc như Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên, Công ty TNHH Union Vina, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer… NLĐ tại các doanh nghiệp này tùy vào vị trí làm việc, mức độ nặng nhọc, độc hại của công việc sẽ được chụp XQ tim phổi, đo thính lực, làm các xét nghiệm…

Đồng chí Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: “Chương trình được tổ chức nhân dịp Tháng Công nhân với mong muốn giúp NLĐ phát hiện sớm nhất những dấu hiệu bất thường có nguy cơ phát triển thành bệnh lý, từ đó có biện pháp phòng bệnh, yên tâm lao động, sản xuất.

Qua đó, nêu cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực thi đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; dự phòng tích cực bệnh tật tại nơi làm việc bằng kiểm soát, loại trừ yếu tố có hại trong môi trường lao động; thay đổi nhận thức, hành vi của NLĐ và người sử dụng lao động trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phát triển và duy trì thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ.

Chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần của NLĐ là hoạt động thường xuyên của các cấp Công đoàn. Tuy nhiên, để NLĐ luôn được chăm sóc, quan tâm, được đảm bảo về sức khỏe thì chỉ sự vào cuộc của các cấp Công đoàn là chưa đủ, còn cần sự tích cực, chủ động và sự nâng cao nhận thức của chính các doanh nghiệp và NLĐ”.

Trong thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thường xuyên các hoạt động chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ như phối hợp với các cơ sở y tế tới khám, tư vấn sức khỏe cho NLĐ trung bình 2 lần/năm; mời đơn vị chuyên môn đo đạc, quan trắc môi trường làm việc để xác định mức độ nặng nhọc, độc hại, từ đó trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động, bồi dưỡng cho NLĐ theo quy định; lập tủ thuốc và bổ sung các loại thuốc thường xuyên theo quy định của cơ quan y tế; bố trí cán bộ y tế, phương tiện và kinh phí cần thiết để xử trí các trường hợp NLĐ ốm đau, tai nạn lao động đột xuất…

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên Lê Xuân Vui cho biết: “Việc chăm sóc sức khỏe cho NLĐ là rất cần thiết, bởi từ đó giúp NLĐ và doanh nghiệp nắm bắt được tình trạng sức khỏe NLĐ để có sự phân công, sắp xếp công việc phù hợp khả năng hoặc kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Để làm được điều này, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ 1 - 2 lần/năm; đo các chỉ số tiếng ồn, môi trường, không khí… 1 lần/năm; bố trí tủ thuốc với đầy đủ thuốc theo danh mục của ngành y tế; bố trí 2 nhân viên y tế thường trực để chăm sóc sức khỏe NLĐ thường xuyên và có biện pháp xử trí các tình huống bất ngờ xảy ra; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ nghỉ ốm đau, thai sản; hỗ trợ bữa ăn ca để NLĐ có chế độ dinh dưỡng tốt nhất; 100% NLĐ được tham gia BHYT, BHXH…”.

Thời gian tới, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc chăm sóc sức khỏe NLĐ; thúc đẩy các DN nâng cao nhận thức, chủ động, tự giác trong công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ. Từ đó, tạo động lực để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của tỉnh.

Thùy Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77869/bao-ve-%E2%80%9Ctai-san-quy-gia%E2%80%9D-cua-doanh-nghiep.html