Bảo vệ thế hệ tương lai trước căn bệnh thế kỷ
Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là mong ước của mọi bà mẹ, đặc biệt với phụ nữ nhiễm HIV, quá trình điều trị dự phòng để phòng ngừa lây truyền căn bệnh thế kỷ cho trẻ càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nhằm góp phần bảo vệ thế hệ tương lai trước hiểm họa HIV, ngành Y tế đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hiệu quả điều trị dự phòng cho bà mẹ có 'H', từ đó, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV khi chào đời.
Khi biết mình không may bị nhiễm HIV từ chồng, chị T.T.G ở huyện Sông Lô luôn sống trong tâm trạng lo lắng, suy sụp. Nhiều đêm chị “mất ăn, mất ngủ” vì nghĩ rằng căn bệnh thế kỷ sẽ lây truyền cho đứa con đang lớn dần trong bào thai. Trong tâm trạng tuyệt vọng vì bệnh tật, chị đã tìm đến cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Sông Lô để được tư vấn, hỗ trợ và tham gia điều trị dự phòng trong suốt thai kỳ.
Ngay khi bé chào đời, trẻ đã được uống thuốc dự phòng sớm ngừa nhiễm HIV. Sau quá trình kiên trì điều trị và nhờ sự hỗ trợ tận tâm, tận tình của các y, bác sĩ, chị T.T.G vỡ òa sung sướng khi nhận kết quả xét nghiệm em bé hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV.
Một trường hợp khác là câu chuyện của chị N.T.H ở thành phố Vĩnh Yên. Bản thân chị H là người nghiện ma túy và bị nhiễm HIV. Thế nhưng, với bản năng của người phụ nữ, chị vẫn mong muốn được mang thai và sinh con. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, chị H đã bày tỏ nguyện vọng được làm mẹ với cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và được các bác sĩ tư vấn tận tình về thời điểm có thai tốt nhất và các biện pháp phòng ngừa an toàn cho thai nhi để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm vi rút cho em bé. Nhờ tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ, sau thai kỳ dài 9 tháng 10 ngày, chị H đã được đón một em bé khỏe mạnh với cân nặng 3,6 kg trong niềm vui sướng, hân hoan của gia đình.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV nhưng hoàn toàn khỏe mạnh, các bé may mắn không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ là do trước đó, người mẹ đã được điều trị dự phòng trong quá trình mang thai; tỷ lệ điều trị thành công là 100%. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nguy cơ lây truyền vi rút từ người mẹ sang thai nhi là rất cao, vì vậy, mọi phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động đến cơ sở y tế để được xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS.
Phụ nữ mang thai khi phát hiện nhiễm HIV phải tiến hành điều trị ARV sớm, duy trì dùng thuốc ARV ít nhất trong vòng 24 tháng và tuân thủ điều trị để tải lượng vi rút trong máu ở ngưỡng thấp. Trong quá trình mang thai, bà mẹ nhiễm HIV cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển dạ, vi rút HIV có khả năng lây truyền từ nước ối và dịch từ người mẹ xâm nhập vào các bộ phận trên cơ thể trẻ hoặc trẻ có thể bị lây nhiễm từ máu của người mẹ. Vì vậy, phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về biện pháp sinh con phù hợp để giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho trẻ. Trẻ sinh ra cần được tắm ngay và được uống thuốc điều trị dự phòng trong vòng 24h sau khi chào đời.
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai là giải pháp y tế mang ý nghĩa nhân văn đã được ngành Y tế Vĩnh Phúc triển khai trong nhiều năm qua. Từ năm 2012-2022, hằng năm, ngành Y tế tỉnh thường xuyên triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 - 30/6) với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức diễu hành, tuyên truyền cổ động tại 9/9 huyện, thành phố.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông và hệ thống truyền thanh của các địa phương thường xuyên đăng tải, phát sóng các nội dung về ý nghĩa, tính nhân văn của việc phát hiện sớm và điều trị dự phòng HIV cho trẻ em được sinh ra từ bà mẹ có “H”; truyền thông về các biện pháp cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho trẻ trước, trong và sau khi trẻ chào đời. Cùng với đó, ngành Y tế cũng phối hợp với các địa phương treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi tuyên truyền về công tác này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng”.
Từ năm 2023, việc triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã trở thành hoạt động được đẩy mạnh thường xuyên của ngành Y tế tỉnh, nhờ đó, tỷ lệ trẻ bị lây nhiễm HIV từ bà mẹ có “H” khi chào đời được hạn chế tối đa. Hiệu quả và ý nghĩa nhân văn, thiết thực của chương trình đã góp phần bảo vệ thế hệ tương lai khỏi căn bệnh thế kỷ.