Bảo vệ thông tin, hình ảnh liên quan trẻ em

Mới đây, khi danh tính của những đứa trẻ vô tội trong vụ việc xảy ra tại Tịnh thất bồng lai bị chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội) đã phải lên tiếng đề nghị cộng đồng mạng giữ bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ các trẻ em tại đây. Theo đại diện Cục Trẻ em, lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế) trao quà tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh QUANG MINH)

Hội Bảo vệ quyền trẻ em huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế) trao quà tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh QUANG MINH)

Sự việc nêu trên và nhiều vụ việc diễn ra trong một thời gian gần đây cho thấy vấn đề về bảo vệ cuộc sống riêng tư, trong đó có vấn đề chia sẻ thông tin, hình ảnh liên quan trẻ em đang rất đáng được quan tâm. Hiện nay, pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam đều có những quy định liên quan đến vấn đề này. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em, không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Ðiều 6, Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có việc: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Ðiều 21 luật này cũng quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Nghị định số 56/2017/NÐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cũng có các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em… Ngoài ra, theo Ðiều 31, Nghị định số 130/2021/NÐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, cha, mẹ, người giám hộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện yêu cầu chấm dứt sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại… Ngoài ra, hành vi chia sẻ thông tin của trẻ em bất hợp pháp cũng có thể bị phạt tù.

HOÀNG PHAN và LÊ HỒNG TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bandoc/bao-ve-thong-tin-hinh-anh-lien-quan-tre-em-686316/