Bấp bênh đời sống nữ công nhân (Bài 1)

>>> Bài 1: 'Thắt lưng buộc bụng' trong thời 'bão giá'

Đồng Nai hiện có trên 1,2 triệu lao động, trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 60%. Chiếm phần lớn lực lượng lao động, lao động nữ đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, lao động nữ lại đang phải đối diện với nhiều khó khăn cả trong công việc và cuộc sống.

Công nhân Công ty TNHH Changshin (huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ mua hàng bình ổn giá. Ảnh: N.HÒA

Công nhân Công ty TNHH Changshin (huyện Vĩnh Cửu) được hỗ trợ mua hàng bình ổn giá. Ảnh: N.HÒA

Đa số lao động nữ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) chưa qua đào tạo nghề, tham gia lao động giản đơn nên thu nhập thấp. Trước bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng phi mã, họ với vai trò “tay hòm chìa khóa” trong gia đình luôn phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu trong gia đình.

Đa số chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt. Số khác chọn thuê nhà trọ chật hẹp có chi phí thấp. Nhiều cặp vợ chồng lao động trẻ lại chọn gửi con về quê cho ông bà chăm sóc…

Cắt giảm chi phí sinh hoạt

Mới bước qua tuổi 43 nhưng trên khuôn mặt chị Trương Thị Lan, ở trọ tại phường Hóa An (thành phố Biên Hòa), đã hằn lên nhiều nếp nhăn, sự khắc khổ bởi áp lực cuộc sống. Chị Lan chia sẻ, năm 2000, vợ chồng chị rời quê hương Bến Tre lên Đồng Nai làm việc với biết bao dự định sau này. Thế nhưng, chồng chị đột nhiên ngã bệnh rồi qua đời. Bất đắc dĩ, chị vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha của 2 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học.

Thời gian đầu khi chồng mới mất, chị Lan băn khoăn không biết nên đưa con về quê hay ở lại Đồng Nai tiếp tục làm việc. Đưa con về quê, chị có thêm người thân phụ giúp chăm sóc con, nhưng lại không biết làm gì để có tiền nuôi con. Nghĩ đến chi phí học tập của con ngày một nhiều, chị Lan quyết định ở lại.

Thu nhập của chị mỗi tháng phải tiết kiệm mới đủ chi trả tiền học cho con, tiền nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày của 3 mẹ con. Có thời điểm công ty giảm đơn hàng, không tăng ca, thu nhập của chị cũng giảm theo. Từ năm 2023 đến nay, chị bị thoát vị đĩa điệm, có những tháng nghỉ hơn 1 tuần để điều trị, không đi làm được. Những lúc như vậy, chị phải tính toán, cắt giảm một số khoản chi tiêu mới không bị thiếu trước hụt sau.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình công nhân lao động chọn gửi con về quê ở với ông bà. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) vào năm 2023, có 30,2% trẻ là con công nhân từ 0 đến dưới 16 tuổi đang phải sống xa cha mẹ. Việc này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

“May mắn là 2 con của tôi một đứa học lớp 6 và một đứa học lớp 8 thấy tôi vất vả nên luôn tự giác, cố gắng và đạt thành tích cao trong học tập. Đó chính là động lực để tôi cố gắng vượt qua khoảng thời gian khó nhọc này” - chị Lan bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ở trọ tại khu phố 2, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết, trước đây thu nhập của 2 vợ chồng chị sau khi trừ các khoản chi phí vẫn còn dư chút đỉnh. Từ sau dịch Covid-19, công việc của chồng lúc có, lúc không nên thu nhập cũng không ổn định. Là người nắm “tay hòm chìa khóa” trong nhà, chị phải tính toán, chi ly từng đồng. Cũng bởi vì muốn tiết kiệm chi phí mà nhiều năm nay, vợ chồng chị chưa về quê đón Tết với gia đình.

Cách đây 2 năm, thấy bạn bè đi làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về quê có cuộc sống khá hơn, chị Trần Thị Minh Tính và chồng quyết định rời quê An Giang lên Đồng Nai đi làm công nhân. Lên Đồng Nai, vợ chồng chị thuê phòng trọ tại thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) sinh sống. Chị vào làm việc tại Công ty TNHH Kỹ thuật Suntone, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, còn chồng làm bảo vệ cho một công ty khác cùng địa bàn huyện.

Theo lời kể của chị Tính, thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng chị khoảng 12-13 triệu đồng, song tiền thuê phòng trọ, điện, nước, chi phí cho ăn uống hàng ngày và tiền gửi con cũng hết kha khá. Vì vậy, để có dư, vợ chồng chị chỉ chi tiêu cho những khoản sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Các nhu cầu về vui chơi, giải trí có phát sinh phí chị đều loại bỏ ra khỏi danh sách ưu tiên.

Chấp nhận ở phòng trọ chật hẹp

Thu nhập thấp và đối diện với nhiều khoản chi tiêu, nhiều gia đình công nhân lựa chọn ở trong các phòng trọ chật hẹp để tiết kiệm chi phí.

Căn phòng rộng hơn 10m2 (không có gác lửng) ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) là nơi sinh sống của gia đình chị Nguyễn Thị Mây, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam từ nhiều năm nay. Chị Mây cho biết, vợ chồng chị từ quê An Giang lên Đồng Nai làm công nhân. Mong muốn của cả 2 vợ chồng là kiếm được tiền trang trải cuộc sống, nuôi con và tích lũy để sau này về quê sống gần người thân. Vì vậy, ngay từ đầu, vợ chồng chị đã thống nhất chọn ở phòng trọ giá rẻ, chi phí thấp để có thêm phần tích lũy.

So với những phòng trọ sạch sẽ, thoáng mát, có gác lửng với giá 1,5-1,7 triệu đồng/phòng/tháng thì phòng trọ vợ chồng chị ở chỉ có giá thuê hơn 1 triệu đồng/tháng. Chọn ở phòng giá rẻ, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được hơn 500 ngàn đồng nhưng phải chịu cảnh chật hẹp, nóng, ẩm thấp và bí bách. Nhưng nghĩ đến tương lai được trở về sống gần người thân, vợ chồng chị động viên nhau cố gắng.

Cũng bởi mong muốn tiết kiệm chi phí, mỗi năm có thêm một khoản tiền gửi về quê cho gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung chọn ở trọ tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch). Chị Dung cho hay, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, 2 người đều có việc làm, tăng ca thường xuyên nên thu nhập ổn. Từ sau dịch bệnh, công việc ít hơn, chồng chị không những không có việc để tăng ca mà có thời điểm còn phải nghỉ thêm ngày thứ bảy, chủ nhật. Trong khi đó, sau khi sinh con thứ 2, vì không có người trông nên chị phải tạm thời nghỉ làm. Mọi chi phí từ nhà trọ, điện nước cho đến sinh hoạt hàng ngày chỉ trông chờ vào thu nhập của chồng. Không còn cách nào khác, vợ chồng chị đành chọn ở phòng trọ nhỏ hơn để vơi bớt gánh nặng mỗi tháng.

Khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, thu nhập của công nhân lao động khối sản xuất còn thấp, bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng hiện nay đòi hỏi người lao động nói chung, trong đó có nữ công nhân lao động nói riêng phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ sống và có tích lũy. Với suy nghĩ, nhà trọ chỉ là nơi ngủ, nghỉ sau ngày dài làm việc ở DN nên nhiều lao động thay vì chọn những khu nhà trọ khang trang có chi phí cao đã chọn những căn phòng trọ giá rẻ, chi phí thấp để giảm bớt áp lực tài chính.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Công ty TNHH NoK (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa), bày tỏ công nhân lao động rời quê hương xa xôi đến Đồng Nai làm việc hầu hết đều có mong muốn được “an cư lạc nghiệp”. Thế nhưng việc tiếp cận với nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập thấp với công nhân lao động hiện nay là điều quá xa xôi.

“Chúng tôi mong muốn, ngoài việc tăng lương tối thiểu, Nhà nước cần có giải pháp bình ổn giá các mặt hành thiết yếu. Xây dựng được những khu nhà ở xã hội dành riêng cho công nhân lao động để chúng tôi có cơ hội mua nhà, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” - chị Duyên bộc bạch.

Nguyễn Hòa - Nga Sơn

Bài 2: Đối diện với nhiều nguy cơ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/bap-benh-doi-song-nu-cong-nhan-bai-1-6864202/