Basel III và sức ép tăng vốn
Hiện không ít ngân hàng Việt đã hoàn thành áp dụng Basel III, song với các ngân hàng còn lại, vẫn còn nhiều thách thức trên chặng đường tiến tới chuẩn mực này.
Sự cần thiết áp dụng Basel III
Basel III ra đời năm 2010, trong bối cảnh toàn cầu vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Hàng loạt quy định mới, khắt khe hơn của bộ chuẩn mực này được ví như chiếc phễu lọc các rủi ro, giúp hệ thống ngân hàng không gặp lại biến cố tương tự. Khác với các chuẩn mực Basel I, Basel II ra đời trước đó, Basel III yêu cầu ngân hàng xác định rõ ràng một mức độ an toàn vốn, tính thanh khoản và đòn bẩy. Đồng thời, Basel III giúp ngân hàng chống chịu được các biến cố bất thường.
Muốn đáp ứng được chuẩn mực Basel III, ngân hàng bắt buộc phải chuẩn bị lượng vốn dồi dào hơn, chấp nhận đệm dự phòng lớn hơn để giảm rủi ro cho hoạt động. Đổi lại, ngân hàng sẽ tăng được khả năng thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ để chống chịu được các biến động bất thường của thị trường tài chính. Do Basel III là một chuẩn mực trong lĩnh vực được nhiều ngân hàng thế giới áp dụng nên một khi đáp ứng được điều kiện của chuẩn mực này thì các ngân hàng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Đến nay, hơn chục ngân hàng tại Việt Nam đã công bố hoàn thành các chỉ tiêu trong chuẩn mực Basel III, gồm OCB, HDBank, ACB, VIB, Nam A Bank, SeABank, LPBank, Techcombank, VPBank, Sacombank, MSB, ABBank. Lãnh đạo một ngân hàng đã hoàn thành Basel III cho biết, để thực hiện được mục tiêu này, ngân hàng đã phải hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn nhằm giải quyết bài toán về chi phí lớn, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, chi phí cho tuyển dụng, đào tạo nhân sự chất lượng cao… Đổi lại, việc áp dụng Basel III giúp họ đủ vốn dự trữ cho cả điều kiện thị trường bình thường và bất thường, từ đó đảm bảo khả năng chống chịu tổng thể trước các rủi ro có mức ảnh hưởng nghiêm trọng, kể cả Covid-19. Đồng thời, ngân hàng cũng giảm thiểu rủi ro thanh khoản thông qua việc quản lý sự cân bằng trong việc huy động vốn và sử dụng vốn, kiểm soát hiệu quả tài sản thanh khoản cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả ngay của khách hàng khi cần thiết.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB chia sẻ rằng, trong hơn 30 năm phát triển, ACB luôn chú trọng kiện toàn năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt đối với rủi ro thanh khoản, thông qua chỉ số an toàn vốn. Việc hoàn thành Basel III và ILAAP (Đánh giá nội bộ về an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Trung ương Châu Âu) giúp ACB cải thiện khả năng chống chịu trước những rủi ro hệ thống.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank, Basel III được xem là bộ tiêu chuẩn ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng, nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn vốn, tính thanh khoản, giúp cho các ngân hàng có đủ năng lực để vượt qua các cuộc khủng hoảng. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ quản lý rủi ro ở điều kiện hiện tại, mà còn cả những dự báo cho tương lai, quan trọng hơn là rủi ro được đo lường không chỉ ở điều kiện bình thường mà trong cả những kịch bản căng thẳng. Với việc triển khai Basel III, Sacombank ứng dụng vào việc thiết lập các chỉ tiêu kế hoạch định hướng theo rủi ro thông qua việc phân bổ vốn (RAROC), góp phần cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống; đồng thời tối ưu hóa chi phí kiểm soát nguồn vốn và thanh khoản. Ngoài ra, việc tự động hóa các báo cáo công bố thông tin và báo cáo quản trị nội bộ theo tiêu chuẩn Basel III giúp Ngân hàng quản lý các chỉ số an toàn một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Điều này phù hợp với lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn, công nghệ cao vào hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro của Sacombank.
… và sức ép tăng vốn
Quy mô vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối tăng chậm lại, trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh, chưa kể áp lực tuân thủ Basel III và cao hơn nữa khiến nhu cầu tăng vốn với các ngân hàng này là rất lớn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Hiện chưa có bất kỳ quy định nào bắt buộc các ngân hàng Việt Nam phải áp dụng toàn bộ Basel III. Nhưng cũng bởi tầm quan trọng của bộ chuẩn mực này, nhiều ngân hàng Việt Nam đã ráo riết thử nghiệm chuẩn mực này từ rất lâu, dù việc triển khai không hề dễ dàng, thậm chí phải hy sinh một phần nguồn vốn để tăng mức độ an toàn.
Bước đệm cho Basel III được ngân hàng thực thi những năm qua là duy trì hệ thống kiểm soát với 3 trụ cột là tính hệ số CAR theo Basel; áp dụng đánh giá nội bộ mức đủ vốn - ICAAP và minh bạch thông tin... Song rào cản lớn nhất của Basel III cho các ngân hàng là nâng tỷ trọng vốn cấp I lên mức tối thiểu 6%, nên không phải nhà băng nào cũng sớm đạt được. Một trong những thách thức lớn đặt ra trong bộ chuẩn mực này là yêu cầu nâng cao nguồn vốn và chất lượng vốn, cùng bộ đệm dự phòng lớn hơn. Riêng đối với cấu phần vốn, Basel III đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả tỷ lệ an toàn vốn và các cấu phần vốn lõi cùng cấu phần vốn đệm dự phòng đảm bảo an toàn hoạt động, do nó yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn. Điều này lý giải vì sao nhiều ngân hàng có quy mô hàng đầu như Vietcombank, VietinBank vẫn chưa hoàn tất việc triển khai Basel III.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, chính quy mô vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối tăng chậm lại, trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh, chưa kể áp lực tuân thủ Basel III và cao hơn nữa khiến nhu cầu tăng vốn với các ngân hàng này là rất lớn, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung, dài hạn. Việc cho phép các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước giữ lại lợi nhuận để tăng vốn sẽ khiến ngân sách khó khăn, song ngay cả trong trường hợp này, vẫn cần bố trí nguồn ngân sách phù hợp để tăng vốn. Bởi chỉ khi có nền tảng vốn vững mạnh, các ngân hàng có vốn Nhà nước mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, các ngân hàng rất chú trọng đến việc làm “dày” bộ đệm vốn điều lệ, hướng đến chuẩn mực Basel III và các chuẩn cao hơn, đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn vừa qua và thời gian sắp tới, các ngân hàng ưu tiên tăng vốn qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đến cuối tháng 7/2023, vốn điều lệ của “Big 4” (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180.500 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 7,4 triệu tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 6,15 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 5,55 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính của nhóm ngân hàng này vẫn diễn ra chậm. Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước vào VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021. Với Vietcombank, cơ quan quản lý đang dự thảo văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội với phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế hết năm 2018.
Trước đó, lãnh đạo cả 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối đều nhiều lần kiến nghị Chính phủ được nhanh chóng tăng vốn bằng nguồn lực lợi nhuận giữ lại. Theo giới phân tích, tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua làm nổi bật vai trò hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại nhà nước, song việc tăng vốn quá chậm làm khả năng hỗ trợ kinh tế của các tổ chức này suy giảm.
Theo đánh giá của các chuyên gia EY, triển khai Basel III đã và đang mang lại các tín hiệu tích cực đối với việc quản trị rủi ro tại các ngân hàng Việt Nam, là tiền đề mở ra cơ hội nâng hạng thị trường cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác chiến lược nước ngoài trong tương lai. Việc đáp ứng Basel III không chỉ là tính toán triển khai dự án trong ngắn hạn, mà đòi hỏi thay đổi thực chất trong quản trị rủi ro, trong điều hành hàng ngày của các ngân hàng. Song thách thức lớn nhất là về nguồn vốn. Một số ngân hàng tuy chưa áp dụng toàn bộ Basel III nhưng đã áp dụng một vài cấu phần của bộ chuẩn mực này, như tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng trong giám sát rủi ro định kỳ…
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, kết quả trên thể hiện quyết tâm của các ngân hàng trong áp dụng chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng cường hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn hơn nữa. So với Basel II, Basel III có nhiều yêu cầu mới, khắt khe hơn. Việc triển khai Basel III cũng đòi hỏi đầu tư nguồn lực tài chính lớn cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các ngân hàng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/basel-iii-va-suc-ep-tang-von-post346989.html