Bất cập tiền cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn

Khi vợ chồng ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con khi con sống với người còn lại, có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nom con. Điều này được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế nhiều người cha đã không thực hiện nghĩa vụ này sau khi ly hôn.

Chị Lê Thị Lảnh ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) vẫn còn bức xúc khi nhớ lại chuyện cũ. Sau ly hôn, tòa quyết định chồng cũ của chị phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 300.000 đồng. Số tiền rất ít ỏi so với nhu cầu của một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng chồng cũ của chị chỉ đưa được vài tháng đầu, sau đó ngưng hẳn. Những lần con ốm đau, chị tìm gặp chồng cũ để hỏi tiền cấp dưỡng nhưng lúc có, lúc không, có lần còn bị xua đuổi, chửi bới.

Chị Hạnh Trần ở TP Tuy Hòa cũng cho biết, chồng cũ của chị không tự giác cấp dưỡng nuôi con, dù người đó là giáo viên. Việc cấp dưỡng chỉ được một thời gian ngắn, chị đã một mình nuôi con hơn 10 năm nay. Cũng vì vậy mà chị được toàn quyền quyết định những việc liên quan đến con.

Thực tế cho thấy, ba mẹ ly hôn, con cái là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vậy làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của các con? Luật Hôn nhân - Gia đình quy định tiền cấp dưỡng nuôi con tối thiểu bằng 1/2 tháng lương cơ sở, nhưng thực tế trong các bản án thuận tình ly hôn thì luôn ấn định số tiền cấp dưỡng nuôi con bằng một con số cụ thể và kéo dài cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Điều này sẽ không còn phù hợp khi có sự điều chỉnh mức lương cơ sở, đó là chưa kể đến lạm phát và mức sống ngày một nâng cao. Mặc dù luật cũng quy định có quyền yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nhưng nếu mỗi lần điều chỉnh mức lương cơ sở lại làm đơn yêu cầu thì rất phiền phức cho các bên liên quan và mất thời gian của các cơ quan chức năng.

Cũng phải nói thêm rằng 1/2 mức lương cơ sở là rất thấp, chưa đúng nghĩa với từ cấp dưỡng nuôi con mà chỉ mang tính hỗ trợ phần nào chứ không đảm bảo điều kiện sống cơ bản của một đứa trẻ. Nếu không chăm sóc mà đến nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không thực hiện thì rõ ràng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được cấp dưỡng. Hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự.

Trong hành trình đòi tiền cấp dưỡng nuôi con, không ít người mẹ đã buông xuôi trong nỗi ngán ngẩm. Luật thì đã quy định nhưng áp dụng chưa nghiêm, vì trên thực tế hầu như chưa có người cha nào đã bị phạt tiền hoặc tù vì từ chối cấp dưỡng nuôi con.

NGUYỄN KIM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249914/bat-cap-tien-cap-duong-nuoi-con-khi-vo-chong-ly-hon.html