Bất cập trong phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn lực đầu tư phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay được cho là vẫn còn bất cập, gây ảnh hưởng đến mục tiêu liên kết vùng theo chủ trương của Chính phủ.

Bất cập trong điều tiết nguồn lực

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển vùng ĐBSCL năm 2020 khoảng 80.486 tỷ đồng, tăng 44% so với số vốn đã được giao năm 2019. Việc tăng vốn đầu tư phát triển là tín hiệu lạc quan, đáp ứng nhu cầu thực tế để phát triển kinh tế-xã hội của ĐBSCL, tuy nhiên bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng bày tỏ băn khoăn về sự điều tiết nguồn vốn.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng: "Theo Luật Quy hoạch thì chúng ta có quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương. Thế nhưng trong triển khai nguồn lực đầu tư tại ĐBSCL, tổng nguồn phân bổ không thể hiện rõ khoản nào dành cho cái chung của vùng (như các dự án liên vùng) mà chỉ tập trung vào từng địa phương. Điều này cho thấy mục tiêu gắn kết vùng chỉ có trên quy hoạch hoặc định hướng chứ không thể hiện trong điều tiết nguồn lực".

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Bộ KH&ĐT cần tính toán xây dựng nguồn lực sử dụng chung cho vùng trong định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. “Ở ĐBSCL, Bộ KH&ĐT đang triển khai quy hoạch vùng, trong đó có định hướng kết nối một số dự án nên trong tổng nguồn phân bổ ngân sách công cho ĐBSCL thì phải đề xuất giữ lại một khoản tiền nhất định cho các dự án này. Ví dụ có 100 đồng, thì có thể đề xuất giữ lại 40 đồng phục vụ đầu tư vào những dự án mang tính đột phá cho toàn vùng, còn 60 đồng phân bổ cho các địa phương”, ông Cao Văn Trọng đề xuất.

Tại Hội nghị “Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp vùng ĐBSCL” diễn ra mới đây ở TP Cần Thơ, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị nên để lại số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của các địa phương trong vùng để đầu tư các công trình mang tính kết nối. Dẫn nguồn báo cáo của Cục Thuế tỉnh An Giang năm 2018, ông Nưng nêu ví dụ: "Các ngân hàng hoạt động trên địa bàn đạt lợi nhuận 1.085 tỷ đồng, nếu tính 20% thuế thu nhập doanh nghiệp thì An Giang thu về 217 tỷ đồng. Tuy nhiên theo quy định, số tiền này phải điều tiết về Trung ương. Hằng năm, nếu lấy trung bình 217 tỷ đồng của An Giang nhân cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thì sẽ được hơn 2.800 tỷ đồng. Số tiền này, nếu có cơ chế để lại cho ĐBSCL sử dụng, sẽ có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của vùng được triển khai”.

Cần sớm có cơ chế và cơ quan điều phối

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ nhận định: "Khi có cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển chung của một vùng, như về hạ tầng giao thông, sẽ tạo ra được những dự án đồng bộ, liền mạch so với các dự án rời rạc ở từng địa phương. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường đồng bộ sẽ kích thích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kinh tế".

Mặc dù cho rằng đề xuất trên sẽ phát huy hiệu quả, song ông Lam cũng nêu vấn đề: “Chưa có cơ chế thực hiện thì ai sẽ đứng ra điều phối, vì nguyên tắc phân bổ nguồn lực là phân bổ về cho địa phương. Phân bổ để đầu tư tại địa phương thì do địa phương quản lý, có người chịu trách nhiệm, nhưng nếu dự án liên tỉnh thì địa phương nào sẽ chịu trách nhiệm?".

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, những bất cập trong phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển ĐBSCL thời gian qua đã dẫn đến các dự án đầu tư thiếu tính liên kết, thậm chí “triệt tiêu” nguồn lực. Ví dụ, giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, mỗi nơi đều có những ưu tiên về danh mục đầu tư; nếu Long An làm đường hàng không kết nối với TP Hồ Chí Minh thì rõ ràng con đường đó không phát huy hết tác dụng.

Đầu tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP (ngày 17-11-2017) của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biển đổi khí hậu. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong vùng ĐBSCL khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL; Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững ĐBSCL, tìm kiếm các cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài đầu tư cho ĐBSCL; Bộ Tài chính bố trí kịp thời kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động triển khai chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NĐ-CP; UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ưu tiên huy động, bố trí nguồn lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động chuẩn bị hạ tầng cho các dự án sản xuất hiện đại, quy mô lớn… Đặc biệt, Thủ tướng chỉ thị các bên có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thành lập hội đồng điều phối vùng do một Phó thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch, trình cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2019.

HỒNG ĐĂNG-NGUYỄN NGHĨA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bat-cap-trong-phan-bo-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-o-dong-bang-song-cuu-long-598470